04/02/2025 15:07
Sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, các ngành trong triển khai Đề án
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cho biết: ngay sau khi Trà Vinh được Bộ NN-PTNT chấp thuận cho 02 hợp tác xã (HTX) tham gia sản xuất lúa theo Đề án; UBND tỉnh, Sở NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, với sự tham gia của Liên minh HTX tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các huyện. Trung tâm Khuyến nông tỉnh được giao đầu mối thực hiện; trong đó, xây dựng, củng cố lại tổ khuyến nông cộng đồng; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai các hợp phần của Đề án đồng loạt trên các lĩnh vực để thực hiện…
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh và các ngành tham quan mô hình điểm tại HTX nông nghiệp Phát Tài thực hiện Đề án.
Đối với Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN-PTNT Trà Vinh) cùng với Trung tâm Khuyến nông quốc gia tập trung triển khai một số nội dung đến với các HTX và các hộ tham gia Đề án như: quy trình sản xuất 01 phải + 05 giảm; xử lý rơm rạ sau thu hoạch; hạn chế nước ngập ruộng sau thu hoạch lúa; sạ cụm (giảm giống) và kết hợp vùi phân… Canh tác bền vững theo đề án: giảm lượng giống gieo sạ dưới 70kg/ha; giảm 30% lượng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; giảm 20% lượng nước tưới so với sản xuất truyền thống; giảm 10% lượng phát thải khí nhà kính…
Đồng chí Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: trong quá trình triển khai thực hiện tại 02 mô hình điểm của 02 HTX nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo và HTX nông nghiệp Phát Tài, xã Thanh Mỹ (huyện Châu Thành) đã được sự chỉ đạo từ Bộ NN-PTNT trong việc kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực giống, phân bón, thiết bị nông nghiệp cùng tham gia hỗ trợ cho HTX cùng với chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay từ Quỹ Thiện Tâm…
Tác động tích cực từ Đề án…
Việc tham gia Đề án 01 triệu héc-ta lúa giảm phát thải giúp Trà Vinh giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp (lúa, gạo) và tăng khả năng cạnh tranh của nông sản trên thị trường quốc tế. Đồng thời, các hoạt động này còn cải thiện sinh kế của nông dân thông qua các mô hình canh tác hiệu quả, giảm chi phí và tăng thu nhập.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao quy trình đang được 02 HTX áp dụng, triển khai trong vụ lúa hè - thu năm 2024 trên diện tích 100ha thực hiện sản xuất theo Đề án. Đồng thời, đề nghị tỉnh tiếp tục duy trì 02 mô hình điểm của 02 HTX và mở rộng thêm cho các HTX khác cùng tham gia Đề án.
Từ 02 mô hình điểm được Bộ NN-PTNT triển khai trên địa bàn huyện Châu Thành; qua kết quả sản xuất đã mang lại nhiều tích cực cho nông dân từ trong mô hình đến ngoài mô hình. Theo đó, nông dân tiết kiệm nhiều chi phí đầu vào và gia tăng lợi nhuận từ 6,2 - 7,6 triệu đồng/ha; năng suất lúa trong mô hình của HTX đạt 6,6 tấn/ha (sản xuất giống ST 25) và bình quân nông dân thu nhập từ 35 - 40 triệu đồng/ha.
Ông Trương Hòa Thuận, Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Hảo, huyện Châu Thành cho biết: qua tham gia mô hình sản xuất lúa theo Đề án 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp của Bộ NN-PTNT, đã nâng cao được kỹ thuật canh tác cho thành viên HTX, chủ động quản lý đồng ruộng và chu kỳ sinh trưởng của cây lúa một cách phù hợp…
Mô hình nuôi, khai thác thủy sản kết hợp với rừng sản xuất ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải nhằm tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm nước.
...mở ra hướng đi tích cực cho ngành nông nghiệp Trà Vinh
Cũng theo đồng chí Lê Văn Đông, từ 02 mô hình điểm đã triển khai theo Đề án; ngoài tăng hiệu quả kinh tế; còn giảm lượng khí phát thải từ 20 - 30% so ngoài mô hình, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển theo hướng bền vững. Xây dựng thương hiệu gạo giảm phát thải của tỉnh Trà Vinh, góp phần tăng giá trị ngành lúa gạo của tỉnh. Tập dần cho nông dân quen hướng sản xuất thay đổi canh tác truyền thống. Đến vụ lúa thu - đông năm 2024, diện tích tăng thêm 120ha, với sự tham gia của HTX Long Thành, xã Nhị Trường; HTX Kim Hòa, xã Kim Hòa (huyện Cầu Ngang); HTX Phú Mỹ Châu, xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành và HTX Rạch Lọp, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần.
Bên cạnh kết quả đạt được bước đầu trên lĩnh vực cây lúa, tỉnh Trà Vinh đang hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững trên dừa hữu cơ; thủy sản (rừng - tôm, lúa tôm)… với trọng tâm là sản xuất hữu cơ và giảm phát thải khí nhà kính.
Cơ cấu sử dụng đất trong nông nghiệp của tỉnh hiện nay bao gồm: diện tích trồng lúa hơn 220.000ha/năm; trong đó, nhiều diện tích đang được cải tạo để áp dụng các phương pháp canh tác thân thiện với môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất nông nghiệp và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ với hơn 2.891ha; như mô hình lúa tôm ở các xã cù lao Long Hòa, Hòa Minh huyện Châu Thành; xã Vinh Kim, Kim Hòa (huyện Cầu Ngang); vùng đồng láng xã Đôn Châu, Đôn Xuân (huyện Duyên Hải)…
Cùng với đó là diện tích nuôi thủy sản khoảng 60.000ha và hơn 9.000ha rừng, giúp duy trì cân bằng sinh thái, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần hấp thụ khí CO₂, giảm phát thải nhà kính. Trong đó, có gần 5.750ha diện tích nuôi tôm sinh thái kết hợp với trồng rừng và 5.600ha lúa - thủy sản (tôm, cua biển…) kết hợp khai thác tự nhiên theo hướng rừng - thủy sản tập trung vào các mô hình nuôi bền vững, như nuôi tôm - lúa hoặc nuôi thủy sản xen canh với cây trồng khác, nhằm tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm nước.
Có thể thấy trong tương lai, việc phát triển mô hình nông nghiệp bền vững ở Trà Vinh không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, mà còn giúp bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Cầu Ngang đẩy mạnh quy hoạch phát triển, mở rộng vùng nông nghiệp hình thành vùng sản xuất thâm canh, luân canh cây trồng, vật nuôi tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, tạo nhiều cơ hội giúp nông dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.