15/03/2024 12:42
Đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT phát biểu kết luận hội thảo.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT; Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT); Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh; Trần Trường Giang, Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh cùng với lãnh đạo Sở NN-PTNT các tỉnh: Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An, Hậu Giang, Đồng Tháp… các viện, trường.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Trần Thanh Nam thông tin tại hội thảo: Ngân hàng thế giới (WB) thống nhất sẽ mua tất cả tín chỉ cacbon trong Đề án, nếu quy trình làm chất lượng, tín chỉ cacbon sẽ được bán với giá khoảng 10USD/tấn (01ha tương đương 100 USD). Sẽ thí điểm trước mô hình tín chỉ cacbon ngay vụ hè - thu này. Chọn 05 điểm để triển khai thí điểm (trung bình 50 - 70ha/điểm) và thực hiện trong 03 vụ để trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT sẽ nhân rộng và thực hiện. Trong đó, tỉnh Trà Vinh sẽ chọn 01 điểm trong vụ hè - thu (dự kiến triển khai trong tháng 5/2024).
Đồng chí Trần Thanh Nam lưu ý các địa phương về chính sách hỗ trợ kinh phí cho khuyến nông; củng cố hạ tầng (thủy lợi, giao thông…). Bộ NN-PTNT sẽ triển khai các chỉ số để các địa phương đưa vào tham chiếu, cùng với các cơ chế chính sách. Xây dựng thương hiệu gạo gắn với giảm khí thải. Tổ chức tập huấn cho cán bộ khuyến nông làm nòng cốt; rà soát, nắm lại địa chỉ, diện tích của các địa phương tham gia triển khai thực hiện đề án. Xây dựng kế hoạch, cập nhật hàng tháng để theo dõi tiến độ triển khai thực hiện…
Đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu chào mừng hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh: trước tình hình biến đổi khí hậu và cạnh tranh gay gắt của sản phẩm lúa gạo trên thị trường, sản xuất lúa gạo ngày càng khó khăn hơn nên việc tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kín, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định xã hội, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới và hướng tới một ngành hàng lúa gạo minh bạch, trách nhiệm và bền vững, đây là một trong những vấn đề quan trọng mà chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi tư duy trong sản xuất, kinh doanh.
Triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Trà Vinh đã đăng ký tham gia năm 2024, đăng ký 6.324ha; năm 2025 đăng ký 8.831ha và đến năm 2030 là 13.915ha, gồm các huyện: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang. Trong đó, có 34 hợp tác xã và 01 liên hiệp hợp tác xã sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh tham gia thực hiện Đề án, với diện tích 4.983ha.
Tại hội thảo, các địa phương đã tham gia thảo luận để chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm về vai trò, nhiệm vụ và tổ chức hoạt động của hệ thống khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng...
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Trà Vinh tham luận về triển khai Đề án của ngành nông nghiệp tỉnh.
Hội thảo cũng làm rõ vai trò lực lượng khuyến nông, từ khuyến nông Trung ương cho đến khuyến nông cộng đồng. Với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” không phải là khẩu hiệu mà là hành động, là nghĩa vụ, là sứ mạng trong tham gia thực hiện Đề án. Đây là thời điểm đội ngũ khuyến nông thể hiện 03 vai trò là: bạn nhà nông, cùng nhà nông, vì nhà nông. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống, trong đó khuyến nông và khuyến nông cộng đồng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng tham gia thực hiện Đề án.
Đồng chí Nguyễn Phước Thành, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Dịch vụ nông nghiệp tỉnh An Giang kiến nghị về tên gọi vai trò khuyến nông cộng đồng tham gia Đề án.
Tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong 02 năm 2022 - 2023, có 05 tỉnh tham gia Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” là: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An đã thành lập được 376 tổ khuyến nông cộng đồng (trong đó có 10 tổ thuộc Đề án, còn 376 tổ mở rộng) với 2.937 thành viên (78 thành viên thuộc Đề án, 2.859 thành viên mở rộng).
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.