14/03/2024 08:12
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm cho thời tiết ngày càng cực đoan, đặc biệt là tình trạng khô hạn, nước mặn xâm nhập sâu về thượng nguồn Sông Hậu... gây khó khăn trong sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh; trong đó, có vụ lúa đông - xuân năm 2023 - 2024. Với việc đưa vào vận hành Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 đã phát huy hiệu quả “tiếp ngọt” cho nông dân ở các huyện Trà Cú, Cầu Ngang, Duyên Hải trong sản xuất vụ lúa đông - xuân.
Chủ tịch UBND Lê Văn Hẳn cùng các ngành kiểm tra tình hình “tiếp ngọt” trong sản xuất tại cánh đồng giáp ranh xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú) - xã Đôn Châu (huyện Duyên Hải).
Đặc biệt, trên địa bàn huyện Trà Cú và 02 xã Đôn Châu, Đôn Xuân (huyện Duyên Hải) tiếp giáp với vùng ven biển; đây là năm đầu tiên trong sản xuất lúa vụ đông - xuân, cơ bản nguồn nước ngọt được đảm bảo phục vụ trong sản xuất cây lúa so với những năm trước đây.
Tại chuyến khảo sát, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp vừa qua (ngày 02/3/2024) trên địa bàn huyện Trà Cú, Duyên Hải… đồng chí Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò chủ động nguồn nước “tiếp ngọt” từ Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 cho các khu vực phía cuối nguồn, tiếp giáp với các huyện vùng ven biển.
Trong đó, khu vực cánh đồng lúa vụ đông - xuân hiện nay ở xã Ngọc Biên (huyện Trà Cú), Đôn Xuân (huyện Duyên Hải), vùng đất gò, là những vùng thường gặp khó khăn về nguồn nước ngọt khi vào thời điểm khô hạn, mặn… Hiện nay, khu vực này, cơ bản có đủ nguồn nước phục vụ sản xuất cây lúa và “tiếp ngọt” cho các vùng xung quanh từ hệ thống Trạm bơm Kênh 3 tháng 2.
Do ảnh hưởng nước mặn lấn sâu lên thượng nguồn Sông Hậu, các cống đầu mối ven Sông Hậu được đóng (ảnh: cống Rạch Rum, huyện Cầu Kè đóng để ngăn mặn).
Vụ lúa đông - xuân, nông dân huyện Trà Cú đã xuống giống 13.218ha, đạt 104,5% so với kế hoạch (12.650ha). Trong đó, giai đoạn làm đòng 10.920ha, trổ - chín 2.099ha. Trước tình hình BĐKH, diễn biến thời tiết bất lợi cho sản xuất nông nghiệp (nước mặn, khô hạn…), do đó, nhu cầu nước cho diện tích lúa đang làm đòng trỗ trên địa bàn huyện khoảng 10.920ha.
Ông Lê Phúc Hiền, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú cho biết: tình hình thời tiết năm nay bất lợi cho sản xuất cây lúa, như khô hạn và mặn; đối với hợp tác xã hiện có khoảng 300ha sản xuất giống lúa ST 25 ở các xã Ngọc Biên, Tân Hiệp đang trong giai đoạn vừa trổ, do đó rất cần nguồn nước nếu không sẽ ảnh hưởng đến năng suất rất lớn. Nếu so với những năm trước đây, thì năm nay, nguồn nước ngọt đã đảm bảo, nhờ vận hành hệ thống Trạm bơm Kênh 3 tháng 2; hiện nay, việc “tiếp ngọt” lên ruộng của các thành viên tham gia sản xuất lúa trong hợp tác xã khá tốt; lưu lượng nước bơm lên ruộng đảm bảo từ 03 - 04 ngày/chu kỳ bơm.
Theo đồng chí Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: trên địa bàn huyện hiện có 55 tuyến kênh cấp III thiếu nước, 14 tuyến kênh cấp II thiếu nước và nguy cơ thiếu nước. Với việc đưa vào vận hành Trạm bơm Kênh 3 tháng 2, góp phần vận hành bơm chuyền từ Trạm bơm Kênh 3 tháng 2 để lấy nước đưa về các tuyến kênh trục như Kênh 3 tháng 2 để “tiếp ngọt” vào nội đồng qua các kênh cấp II.
Đối với địa phương, đã vận động Nhân dân thực hiện phương châm xã hội hóa mua máy bơm loại máy từ 10 - 15 HP hoặc từ 02 - 03 máy D6; đặt tại 01 vị trí bơm để bơm chuyền. Hiện nay, có 76 điểm bơm từ kênh cấp II lên kênh cấp III, để đảm bảo cho Nhân dân bơm nước lên ruộng ở các xã Đại An, Tập Sơn, Long Hiệp, Hàm Giang, Tân Hiệp, Thanh Sơn, Phước Hưng, An Quảng Hữu.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.