06/10/2020 11:10
Nông dân Lâm Văn Đực, ấp Nô Pộk chia sẻ cách xử lý hoa bưởi đậu trái tốt với cán bộ xã Trường Thọ.
Theo ông Thạch Ngọc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thọ, để tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân, những năm gần đây, xã tập trung chỉ đạo nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ sản xuất, đặc biệt là chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm. Đến nay, xã đã thực hiện chuyển đổi 26ha đất lúa sang trồng cây ăn trái, hoa màu các loại, nhất là tập trung vào các loại cây chủ lực, dễ trồng, có thị trường tiêu thụ ổn định và có hiệu quả kinh tế cao như bưởi da xanh, dừa và một số cây trồng khác. Tuy diện tích chuyển đổi chưa nhiều nhưng bước đầu đem lại kết quả khả quan. Hiện nay diện tích nông nghiệp trên địa bàn xã không thay đổi nhưng cơ cấu cây trồng đã được thay đổi phù hợp, đặc biệt là trên diện tích đất lúa kém hiệu quả nhằm tăng vòng quay của đất, nâng cao giá trị kinh tế, còn giúp cải tạo chân đất.
Nổi bật về hiệu quả kinh tế là cây bưởi da xanh cho năng suất cao và lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng/ha. Nông dân Lâm Văn Đực, ấp Nô Pộk, xã Trường Thọ là một trong những hộ dân tiên phong chuyển đất lúa sang trồng cây ăn trái nhiều năm nay cho biết: việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây lâu năm là hướng thay đổi tích cực, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Cách làm này đã góp phần nâng cao thu nhập và cuộc sống nông dân. Với gần 0,3ha đất lúa chuyển sang trồng bưởi da xanh của gia đình, nhờ khéo léo trong chăm sóc và xử lý hoa bưởi nên mỗi năm cho thu hoạch 02 lần năng suất đạt từ 01 - 02 tấn, giá bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại, lợi nhuận 50 - 60 triệu đồng.
Theo ông Đực so với cây lúa, bưởi da xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 05 lần, tuy thời gian trồng kéo dài nhưng hiệu quả kinh tế rất cao. Bưởi da xanh từ khi trồng cho đến thu hoạch khoảng 03 năm, năng suất đạt nhiều nhất ở năm thứ 2 và những năm tiếp theo. Hiện 0,3ha bưởi của gia đình hiện đang cho thu hoạch hơn 01 tấn, đầu ra chủ yếu bán lẻ, chưa liên kết với đơn vị thu mua lâu dài, trồng bưởi da xanh chủ yếu cải tạo và tăng vòng quay của đất. Thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi trồng bưởi da xanh, ông mở rộng trồng thêm 0,4ha bưởi đang phát triển tốt và chuẩn bị cho trái chiếng.
Song song với cây bưởi, ông Đực còn tận dụng diện tích xung quanh gốc bưởi trồng cỏ và hoa màu để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhờ lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện đất đai và thổ nhưỡng, mỗi năm gia đình ông Đực thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Khác ông Đực, nông dân Lâm Văn Đông, ngụ cùng ấp chọn cây dừa để thực hiện mô hình chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả với tổng thu nhập hàng năm 70 - 80 triệu đồng. Theo ông Đông, từ khi chuyển đổi đất lúa sang trồng dừa trên diện tích 0,1ha, gia đình ông có nguồn thu nhập ổn định khoảng hơn 01 năm nay, đời sống kinh tế ngày càng cải thiện. Với 0,1ha dừa, cách 01 tháng thu hoạch 01 lần và liên tục trong năm, thu nhập từ 04 - 07 triệu đồng/tháng. Song song với cây dừa ông còn trồng xen canh vài chục gốc bưởi da xanh để góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình.
Thực tế cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã mang lại hiệu quả về năng suất và giá trị kinh tế, còn khẳng định được hiệu quả kinh tế cần được nhân rộng ra các ấp có những diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả dựa theo nhóm cây trồng, con nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng nhằm góp phần tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Thời gian tới, để đạt được thành công trong chuyển đổi, ngoài thực hiện việc quy hoạch sản xuất, bố trí cây trồng, vật nuôi hợp lý, xã thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan của huyện, tỉnh tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, giới thiệu các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng cao và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cho nông dân. Bên cạnh đó, xã đẩy mạnh công tác khuyến nông; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các vùng chuyển đổi theo quy hoạch để phục vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ông Thạch Ngọc Minh, nhờ nỗ lực thực hiện phát triển nông nghiệp, đưa các loại cây, con giống mới có năng suất, giá trị cao vào sản xuất, nhiều hộ đã nhanh chóng vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu, đồng thời giúp đỡ những hộ xung quanh cùng phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, xã còn 358 hộ nghèo, phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 giảm 209 hộ nghèo. Để thực hiện mục tiêu trên, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác giảm nghèo; tích cực giải quyết việc làm cho người lao động gắn với đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác khuyến nông để phát triển kinh tế. Phối hợp triển khai thực hiện các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hỗ trợ sản xuất và đời sống cho đồng bào Khmer; thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với chương trình XDNTM, góp phần giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.