12/04/2022 08:53
Nông dân Sơn Phi Runl, ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh phun thuốc diệt cỏ vệ sinh đồng ruộng.
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Trà Vinh và trên cơ sở dự báo của ngành chuyên môn về tình hình phát sinh, phát triển của các loại dịch hại ảnh hưởng đến sản xuất lúa và trên cơ sở khung lịch thời vụ chung của tỉnh, ý kiến góp ý của các ngành, địa phương về lịch thời vụ sản xuất vụ lúa hè - thu năm 2022, UBND huyện Càng Long chỉ đạo tập trung xuống giống vụ lúa hè - thu từ ngày 15 - 20/4 dương lịch (nhằm ngày 15 - 20/3 âm lịch).
Cơ cấu giống lúa vụ hè - thu gồm: OM5451, OM4900, OM429, Đài thơm 8, OM18, OM4218, OM9517, OM9921... các địa phương khuyến cáo sản xuất các giống như: IR50404, ML202... (các giống lúa chất lượng trung bình) không vượt quá 20% diện tích.
Căn cứ lịch thời vụ trên, UBND huyện Càng Long chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp các đơn vị chuyên môn có liên quan thông báo kịp thời tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trị không để dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa.
Xí nghiệp Thủy nông huyện căn cứ lịch xuống giống của huyện, kết hợp chặt chẽ với các địa phương có kế hoạch vận hành cống đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ cho sản xuất. UBND các xã, thị trấn vận động nông dân thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm, rạ, cày ải phơi đất sau vụ đông - xuân năm 2021 - 2022, đảm bảo cách ly giữa 02 vụ lúa tối thiểu 02 tuần nhằm tạo độ thông thoáng, tránh ngộ độc hữu cơ, ngộ độc phèn và cắt nguồn sâu bệnh.
Bên cạnh đó, vận động nông dân tuân thủ theo lịch thời vụ của huyện, tập trung xuống giống đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng, xuống giống phải đảm bảo dứt điểm trong vòng từ 03 - 05 ngày. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” vào trong sản xuất lúa.
Được biết, vụ đông - xuân năm 2021 - 2022 trên địa bàn huyện Càng Long xuống giống 10.835,57ha (đạt 98,5% so kế hoạch), năng suất bình quân ước đạt 6,98 tấn/ha.
Theo ghi nhận của chúng tôi, thời điểm hiện tại, nông dân Càng Long đang trong giai đoạn vệ sinh đồng ruộng, xử lý rơm, rạ, cày ải phơi đất chuẩn bị xuống giống vụ lúa mới.
Tại xã An Trường, nông dân đang trong giai đoạn vệ sinh đồng ruộng. Bà Trần Thanh Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã An Trường cho biết: chúng tôi căn cứ theo lịch thời vụ của UBND huyện Càng Long tiến hành thông báo và vận động nông dân xuống giống vụ lúa hè - thu 2022 theo đúng lịch của huyện, hiện tại có hơn 60% diện tích đất sản xuất lúa trên địa bàn xã đã cày ải, phơi đất.
Nhìn chung, thời gian qua nông dân xã An Trường tuân thủ tốt lịch thời vụ, hướng dẫn của các ngành chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây lúa nên năng suất lúa hàng năm đạt khá cao. Vụ đông - xuân năm 2021 - 2022 trên địa bàn xã An Trường gieo trồng với diện tích 1.757,82ha, năng suất 7,2 tấn, tổng sản lượng 12.656,3 tấn, đạt 111,6% so với kế hoạch.
Tại cánh đồng xã Phương Thạnh, nông dân Sơn Phi Runl, ấp Đầu Giồng đang phun thuốc trừ cỏ dại, cho biết: gia đình tôi hiện đang canh tác 1,8ha đất nông nghiệp (trồng lúa). Vụ đông - xuân năm 2021 - 2022 gia đình tôi thu hoạch khoảng 07 tấn/ha.
Vụ hè - thu 2022 thường năng suất thấp hơn, tuy nhiên chúng tôi vẫn thực hiện tốt việc vệ sinh đồng ruộng để chuẩn bị gieo sạ theo đúng lịch thời vụ. Hiện tại, tôi đang phun thuốc diệt cỏ dại, sau đó cày xới đất lần 1, lần 2, trục và tiến hành gieo sạ, giống lúa tôi gieo sạ cũng theo khuyến cáo của ngành chức năng, chủ yếu là OM5451 và Đài thơm 8.
Tin, ảnh: KIM LOAN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.