28/04/2021 08:45
Ông Nguyễn Lâm Đồi chăm sóc đàn bò sinh sản từ nguồn cỏ xay.
Cầu Ngang là huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp khá lớn của tỉnh, với lợi thế đất đai, địa lý, nguồn nhân lực và các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài lợi thế đất cát, cát pha phục vụ sản xuất, nông dân đã có những kinh nghiệm giúp việc canh tác cây màu, chăn nuôi đạt nhiều thuận lợi, có hộ đạt lợi nhuận từ 30 - 80 triệu đồng/ha/vụ tùy loại cây màu và thời điểm giá bán. Riêng việc nuôi bò lợi nhuận 10 triệu đồng/con.
Nông dân Nguyễn Lâm Đồi, là một trong những hộ dân có kinh nghiệm nuôi bò nhiều năm ở ấp Tân Lập, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang cho biết: khởi nghiệp nghề nuôi bò sinh sản từ năm 1999 đến nay, thời gian đầu giá bò rẻ nên chi phí đầu tư con giống không nhiều, vài triệu đồng có thể mua được con bò về nuôi sinh sản, sau đó phát triển đàn nuôi dần lên. Tuy nhiên, do giống bò truyền thống (bò cỏ) vóc nhỏ nên giá bán thấp.
Bên cạnh đó, gia đình ông cũng như những hộ nuôi nơi đây không quan tâm nhiều đến vấn đề về kỹ thuật, hầu hết nguồn thức ăn chủ yếu rơm rạ, cỏ mọc tự nhiên. Kiến thức phục vụ chăn nuôi chủ yếu do những nông dân có kinh nghiệm trợ giúp bằng cách truyền miệng với nhau về các loại thuốc thú y liên quan tốt trong chăn nuôi thì người nuôi áp dụng theo. Những năm gần đây, giá bò tăng cao, lợi nhuận nhiều nên nông dân tập trung phát triển đàn bò khá mạnh. Gia đình ông hiện nuôi 07 con bò sinh sản và bò thịt.
Theo ông Đồi, bò nuôi hiện nay gặp nhiều khó khăn, nhất là tình hình dịch bệnh, vì vậy, ông đã nghiên cứu sách, tài liệu tập huấn và các báo điện tử để ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch bệnh và môi trường chăn nuôi. Từ hướng dẫn trên sách, báo ông Đồi đã đầu tư xây dựng hầm biogas để xử lý nước tiểu, nước thải dẫn làm nhiên liệu gas phục vụ sinh hoạt; còn phân chuồng ông xử lý bằng cách phơi khô đem bán để mua rơm phục vụ chăn nuôi. Xây dựng hầm biogas không chỉ vệ sinh môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh, rủi ro, còn giảm phần chi phí đầu tư chăn nuôi.
Đối với việc nuôi bò, trước đây ông Đồi chủ yếu sử dụng cỏ, rơm để nuôi bò thịt và cấy phối giống bằng phương pháp thụ tinh tự nhiên. Những năm gần đây, để nâng cao tầm vóc đàn bò, ông chuyển phương pháp thụ tinh tự nhiên sang gieo tinh nhân tạo cho bò sinh sản, nên tỷ lệ bò lai ngoại đạt trên 95%. Giống bò lai nuôi phổ biến hiện nay bò lai Sind, Pháp, Brahmar… ngoài ra, trong quá trình nuôi, ông nghiên cứu tìm hiểu trên sách chăm sóc bò sinh sản và bổ sung thức ăn công nghiệp, nấu cháo kết hợp với cỏ rơm để vỗ béo bò thịt và thực hiện biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại thường xuyên để hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.
Ông Đồi cho biết: nuôi bò không áp dụng kỹ thuật mới khó có thể thành công, vì vậy sách hướng dẫn phục vụ chăn nuôi góp phần khá quan trọng. Tuy nhiên, kiến thức hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi khá rộng rãi, nông dân ít học khó có thể nắm bắt nhanh. Chính vì vậy, kiến thức cơ bản hiện nay người nuôi áp dụng phổ biến nhất từ sách là việc thường xuyên khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng vắc-xin. Trong quá trình nuôi, nông dân còn sử dụng thức ăn công nghiệp, cháo để cung cấp dinh dưỡng khi bò sinh sản hoặc vỗ béo.
Đặc biệt trong giai đoạn đầu bò mới phối giống, người nuôi cần chăm sóc kỹ hơn về chế độ dinh dưỡng, tiêm ngừa… nhất là tăng cường thức ăn trong 06 tháng đầu để nuôi thai bò khỏe và giảm dần thức ăn ở những tháng cuối để giúp bò dễ sinh sản hơn. Điều quan trọng hơn sau khi bò sinh sản phải thực hiện việc tiêm ngừa viêm và thường xuyên theo dõi diễn biến sức khỏe của bò nuôi để kịp thời phối giống mới. Nếu thiếu một trong những kiến thức cơ bản trên, người nuôi bò khó theo kịp thời đại cũng như thị trường. Để đảm bảo lượng thức ăn cho đàn bò nuôi, ngoài hàm lượng thức ăn công nghiệp, ông Đồi trồng gần 0,2ha cỏ và đầu tư máy xay cỏ phục vụ bò ăn khỏe, sinh sản tốt.
Song song đó, kiến thức từ sách nông dân đã áp dụng thành công các mô hình trồng trọt đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với phương pháp trồng truyền thống. Trước đây, nông dân cày ải, xới đất, bón phân chuồng lót, sau đó gieo hạt trực tiếp xuống lòng đất để trồng, nên tỷ lệ sống của cây trồng đạt 60 - 80%. Bên cạnh đó, việc xử lý cỏ dại bằng cách phun thuốc diệt cỏ, tốn nhiều công lao động và thời gian chăm sóc mà năng suất thấp… ngày nay nông dân ứng dụng phương pháp trồng trọt khoa học hơn. Từ sách, báo nông dân thay đổi quy trình trồng mới bằng cách làm đất, xử lý thuốc diệt khuẩn, diệt nấm đất trước khi xuống giống. Mỗi liếp rẫy phải trải màng phủ nông nghiệp để hạn chế cỏ dại, giữ ẩm cho gốc cây trồng vào mùa nắng, chống ngập úng vào mùa mưa. Pha thuốc bảo vệ thực vật để ngâm hạt giống hạn chế côn trùng gây hại khi hạt giống nảy mầm. Khi hạt giống đã nảy mầm đưa vào túi ni-lông có chứa phân, tro trấu để nuôi dưỡng cây. Khi cây phát triển, nông dân chọn những cây giống sinh sôi nảy mầm mạnh, nhiều tán lá mới đưa xuống liếp đất đã chuẩn bị sẵn rồi xôm lổ trồng xuống đất ruộng. Theo sách hướng dẫn, trong quá trình chăm sóc, bón phân áp dụng đúng kỹ thuật, bón phân hợp lý và phòng trừ sâu bệnh, cỏ dại kịp thời, đúng thuốc đặc trị thì thu hoạch mới đạt sản lượng.
Nông dân Nguyễn Văn Dô, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn nghiên cứu sách thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giữ vững và phát triển diện tích, sản lượng cây trồng, ông Dô thường xuyên cập nhật, nghiên cứu tài liệu tìm hiểu các loại giống cây trồng mới phù hợp với đất đai, thị trường. Theo ông Dô, để có thêm kiến thức phục vụ sản xuất, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do địa phương tổ chức. Từ khi nghiên cứu sách, tài liệu trên mạng xã hội, ông nhận thấy lợi nhuận trồng màu cao hơn cách trồng truyền thống 1,5 lần, đặc biệt là giảm công lao động, như ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm, màng phủ nông nghiệp... còn đối với cây ăn trái của gia đình (bưởi da xanh) trong thời gian cây đậu trái, ông sử dụng túi ni-lông hoặc lưới mùng bọc trái vừa phòng ngừa sâu bệnh vừa hạn chế phun thuốc, đồng thời tạo ra sản phẩm trái cây chất lượng, an toàn. Hiện nay, ngoài diện tích 0,3ha bưởi da xanh đang cho trái, giá bán dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, và 0,3ha khổ qua, ông còn nghiên cứu sách, tài liệu, thông tin từ báo, đài trồng thử nghiệm một số cây ăn trái khác như mít, xoài tím,… nhằm tăng thêm thu nhập trên đất giồng tạp. Bên cạnh đó, ông tập trung nuôi 09 con bò sinh sản và bò thịt với tổng lợi nhuận hàng năm trên 100 triệu đồng.
Ông Kim Sô Phan, công chức nông nghiệp xã Long Sơn cho biết: 05 năm gần đây, xã thực hiện chuyển đổi, từng bước bố trí lại cơ cấu sản xuất theo đúng hướng phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng. Bên cạnh đó, nông dân chủ động nắm bắt thị trường sản xuất cây con nuôi có thế mạnh cao như đậu phộng, dưa hấu, ớt chỉ thiên, tôm sú, tôm thẻ chân trắng. Gần đây tình hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, vốn đầu tư cao, nên một số nông dân đã chuyển sang nuôi tôm càng xanh đem lại hiệu quả khá cao.
Trong thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hàng năm xã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật giúp nông dân giảm bớt chi phí đầu vào, tăng chất lượng, sản lượng cạnh tranh thị trường, tăng lợi nhuận. Đối với chăn nuôi, nông dân trong xã hiện nay đã biết tự trang bị kiến thức bằng việc truy cập mạng xã hội, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về chăn nuôi trên các báo điện tử, mạng xã hội để phục vụ tốt đàn nuôi. Bên cạnh đó, với lợi thế đất giồng cát, đất triền giồng sản xuất từ 03 - 04 vụ màu/năm, từ đó phụ phẩm nông nghiệp phục vụ chăn nuôi khá phong phú nhất là cây đậu phộng, bởi đây là cây trồng có hàm lượng dinh dưỡng cao không chỉ cải thiện tơi xốp đất, mà còn là phụ phẩm tốt phục vụ nuôi bò. Nhờ vậy, Long Sơn là xã phát triển mạnh nhất về con bò với tổng đàn hơn 6.000 con.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.