22/03/2024 12:23
Đoàn công tác Viện Môi trường Nông nghiệp, Sở NN-PTNT Trà Vinh và các đơn vị liên quan làm việc tại HTX nông nghiệp Phước Hảo.
Tham gia đoàn, có PGS-TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp làm trưởng đoàn; cùng với các đơn vị: Văn phòng Điều phối nông nghiệp nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long; Trung tâm Khuyến nông quốc gia…
Về phía tỉnh Trà Vinh, có đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT; Lâm Quang Thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông; Nguyễn Tường Linh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Thành, cùng các thành viên Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp Phước Hảo.
PGS-TS Mai Văn Trịnh lưu ý các chất khí phát thải nhà kín trong sản xuất lúa nếu không kiểm soát được lượng nước trong ruộng, dẫn đến phân hủy các chất hữu cơ (rơm, cỏ mục; thừa đạm (Ure)… trong đó, phát thải chủ yếu là khí mê-tan (khoảng 200kg/01ha) và khí này thải ra cao gấp 28 lần so với khí CO2 khi phát thải trong ruộng lúa; lượng khí N2O, mặc dù lượng thải ra trong sản xuất lúa rất thấp, nhưng tác động về môi trường cao gấp 260 lần so với khí CO2…
Đoàn công tác Viện Môi trường Nông nghiệp khảo sát thực tế vùng canh tác lúa của các thành viên HTX nông nghiệp Phước Hảo.
Tại buổi làm việc với HTX, đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế ngoài đồng ruộng; đồng thời cập nhật các thông số, như: quy trình sản xuất, thời vụ xuống giống, chi phí trong bơm tát nước, lượng giống sử dụng…Qua đó, đoàn công tác của Viện Môi trường Nông nghiệp đã thiết lập và cơ bản thông qua bản đồ định vị vùng sản xuất của HTX …
Theo đó, tổng diện tích tham gia Đề án “01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” của Bộ NN-PTNT đối với HTX có 650ha, với 02 tiểu vùng sản xuất (phía Đông của Quốc lộ 53: 250ha, sản xuất 02 vụ lúa/năm; phía Tây của Quốc lộ 53: 400ha, sản xuất 03 vụ lúa/năm).
PGS-TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp kiểm tra chu kỳ sinh trưởng cây lúa tại cánh đồng Phước Hảo, huyện Châu Thành.
PGS-TS Mai Văn Trịnh cho biết: để sản xuất giảm khí phát thải trên cây lúa; cần áp dụng quy trình tưới khô xen kẽ, “1 phải + 5 giảm” trong canh tác lúa. Trong đó, quản lý được lượng nước trong giai đoạn trước vụ lúa (giai đoạn 30 ngày đầu, nếu nước ngập ruộng sẽ phát thải khí cao, do phân hủy các chất hữu cơ); giai đoạn quản lý nước sau vụ lúa. Quá trình vùi rơm rạ phải thực hiện trước và trong thời gian 30 ngày.
Qua chuyến khảo sát của đoàn công tác Viện Môi trường Nông nghiệp sẽ tiếp tục được cập nhật và chuẩn bị cho các bước tiếp theo trước khi bắt tay vào sản xuất lúa vụ hè - thu theo mô hình được Bộ NN-PTNT chọn thí điểm về thực hiện Đề án “01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp”, trong đó, tỉnh Trà Vinh là 01 trong 05 tỉnh được chọn triển khai thí điểm vụ hè - thu năm 2024.
Tin, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.