28/05/2022 09:20
Bên cạnh đó, nhiều giống lúa chất lượng cao hướng đến xuất khẩu được nhiều nông dân đưa vào canh tác như OM5451, OM18, OM4900 và Đài thơm 8, ST25, ST24... Có thể nói, tình hình thời tiết năm nay trong xuống giống đầu vụ lúa hè - thu năm 2022 tương đối thuận lợi, mưa sớm và đều đã tạo điều kiện cho nông dân vệ sinh đồng ruộng và tiêu độc, xả phèn cho ruộng lúa.
Theo ông Lâm Quang Đúng, Trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tiểu Cần: trên địa bàn huyện đến cuối tháng 5/2022 sẽ xuống giống dứt điểm trà lúa hè - thu, theo kế hoạch sản xuất là 11.120ha; chủ yếu các giống chất lượng cao được nông dân tập trung xuống giống nhiều ở vụ này là OM18, OM4900, OM5451. Bên cạnh thuận lợi về nguồn nước trong đầu vụ xuống giống, tuy nhiên, nông dân cần đặt biệt quan tâm đến trà lúa sau mạ (giai đoạn đẻ nhánh) nếu thời tiết rơi vào thời điểm mưa nhiều sẽ dễ xuất hiện bệnh đạo ôn và thối rễ. Riêng giai đoạn mạ mới xuống giống, đã có một số diện tích bị ngập úng cục bộ, gây chết mạ, nông dân phải dặm lại.
Hướng đến sử dụng kết hợp phân bón hóa học và phân bón hữu cơ vi sinh đang được nhiều nông dân quan tâm, qua đó, nhằm kéo giảm chi phí về vật tư nông nghiệp. Nhiều diện tích sử dụng trong các vụ lúa thu - đông, đông - xuân đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và được nhiều hợp tác xã triển khai cho thành viên của mình.
Ông Trần Văn Chung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Phát Tài (xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: trước tình hình giá vật tư nông nghiệp tăng cao, trong vụ đông - xuân 2021 - 2022, hợp tác xã đã phối hợp với Công ty Cổ phần Âu Lạc (Hà Nội) để triển khai thí điểm sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất 20ha lúa, bước đầu cho thấy hiệu quả cao như kéo giảm khoảng 20% chi phí phân hóa học; trong khi đó, năng suất và sản lượng lúa vẫn giữ vững như sản xuất trước đây. Hiện trong vụ hè - thu, hợp tác xã cũng đang vận động nông dân và thành viên tiếp tục sử dụng kết hợp phân bón hữu cơ vi sinh, tuy loại hình sản xuất này có mới, nhưng nông dân cũng đang dần làm quen và hướng đến. Dự kiến sẽ có khoảng 30ha được sử dụng phân hữu cơ vi sinh kết hợp.
Nông dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè làm đất chuẩn bị xuống giống vụ hè - thu năm 2022.
Còn tại Công ty TNHH Thuận Thiên (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú), trong sản xuất lúa vụ hè - thu đã phối hợp với Công ty Phân bón hữu cơ sinh học Long An liên kết triển khai sử dụng chế phẩm phân hữu cơ trong canh tác 800ha lúa, với giống ST25. Theo ông Lê Phúc Dễ, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thiên: doanh nghiệp liên kết với hộ sản xuất và cung ứng phân bón hữu cơ theo hình thức tín chấp, cuối vụ mới thu hồi và giá bán tương ứng với giá nhà máy giao cho đại lý cấp I. Việc ứng dụng phân hữu cơ nhằm cải tạo đất, nâng cao chất lượng hạt gạo theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu đã được doanh nghiệp triển khai trong nhiều vụ vừa qua.
Song song đó, còn giúp cho nông dân tiết giảm chi phí sản xuất (hạn chế phân hóa học) để dần tiến tới sản xuất theo hướng an toàn; tuy 01 - 02 vụ lúa đầu thực hiện sử dụng phân hữu cơ vi sinh, nông dân chưa thấy hết hiệu quả trên cây lúa; nhưng từ vụ thứ 03 - 04, khả năng kéo giảm lượng phân hóa học sẽ tăng dần từ 10 - 15% ở những vụ đầu, sau đó tăng lên 25 - 30% và giúp nền đất sản xuất luôn duy trì trạng thái của các vi sinh vật có lợi, kích thích khả năng sinh trưởng của lúa và nâng cao phẩm chất hạt gạo…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.