17/03/2022 10:27
Nông dân Sơn Văn Hoàng phấn khởi bên trà lúa đông - xuân của gia đình, với năng suất ước trên 7,4 tấn/ha.
Qua trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết: có thể khẳng định vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022 đã thắng lợi cả về diện tích và năng suất… và tác động của khô hạn, mặn xâm nhập không còn ảnh hưởng nhiều đến trà lúa. Vì hiện nay, giai đoạn sinh trưởng của cây lúa không còn nhu cầu nước nhiều, đa số diện tích lúa đã cắt nước; cùng với đó, nguồn nước trữ trong các kênh nội đồng và kênh trục khá dồi dào. Vụ lúa đông - xuân năm nay thắng lợi, chính là nhờ thực hiện tốt khung lịch thời vụ xuống giống; tính đồng loạt cao, công tác cảnh báo quan trắc nước, điều tiết hệ thống các cống đầu mối và cán bộ kỹ thuật bám đồng ruộng cùng nông dân.
Có thể nói, hàng năm khi vào vụ lúa đông - xuân, tình trạng sản xuất không đồng loạt khá phổ biến. Đặc biệt, tại các vùng chủ động được nước ngọt sẽ xuống giống sớm như Càng Long, Cầu Kè; các vùng có điều kiện khó khăn về nước như huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải… thì xuống giống rải rác, kéo dài. Từ đó, làm cho việc điều tiết nguồn nước, trữ ngọt của các địa phương gặp nhiều khó khăn. Việc tuân thủ lịch thời vụ và dứt điểm đồng loạt theo khung lịch chung của Sở NN-PTNT trong vụ lúa đông - xuân 2021 - 2022 là một thắng lợi lớn trong sản xuất, nâng cao được ý thức của người sản xuất trước biến đổi khí hậu như hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Trà Cú chia sẻ: năm nay, nông dân trong huyện xuống giống trên 12.534ha, vượt kế hoạch hơn 1.534ha; đa số diện tích xuống giống theo đúng với khung lịch thời vụ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Hiện các trà lúa đều chủ động được nguồn nước và trên 80% diện tích lúa trong giai đoạn chín, nông dân đã thu hoạch trên 3.000ha, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha, dự kiến sẽ cao cùng kỳ khoảng 0,4 - 0,5 tấn/ha.
Được biết, huyện Trà Cú là vùng cuối nguồn tiếp ngọt, nên hàng năm khi vào vụ lúa đông - xuân đều gặp khó khăn về nguồn nước bơm tát. Hàng năm, khi vào tháng 12 là xuất hiện mặn phía ngoài các tuyến cống đầu mối của huyện như vàm Trà Cú, cống Leng… (năm 2022, khu vực vàm Trà Cú, mặn trên 02‰), nhờ thực hiện công tác cảnh báo quan trắc nước, huyện đã kịp thời chỉ đạo đóng cống ngăn mặn. Cùng với đó, huyện Trà Cú tăng cường trao đổi, tiếp nhận thông tin tại các huyện đầu nguồn (Cầu Kè, Càng Long…) khi thực hiện mở các cống để tiếp ngọt hay đóng ngăn mặn, nhằm sớm có hướng thông báo cho nông dân và địa phương chủ động triển khai việc tích nước vào nội đồng, luôn đảm bảo mực nước +0,5m trở lên.
Nông dân Sơn Văn Hoàng, ngụ ấp Đầu Giồng B, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú cho biết: gia đình sản xuất được 01ha, dự kiến khoảng ngày 20/3 là thu hoạch. Vụ đông - xuân năm nay nhìn chung nguồn nước khá dồi dào, cùng với đó là các kênh nội đồng được nạo vét, nên áp lực về nước sản xuất không lớn như các năm qua.
Qua ghi nhận tại cánh đồng lúa ấp Đầu Giồng B, nhìn chung nông dân ở đây xuống giống khá đồng loạt và sớm hơn 20 ngày so với vụ lúa đông - xuân 2020 - 2021. Hiện lúa có thời gian sinh trưởng thấp nhất cũng trong giai đoạn trổ, nhưng chỉ chiếm 10% diện tích chung của ấp; còn lại là lúa trong giai đoạn chín. Cũng theo nông dân Sơn Văn Hoàng, trà lúa ở đây dự kiến đến ngày 20/3 là thu hoạch dứt điểm và năng suất lúa khá cao, riêng lúa của gia đình, ước trên 7,4 tấn/ha (vụ lúa đông - xuân năm 2020 - 2021 đạt 6,5 tấn/ha).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.