22/06/2022 07:57
Trước áp lực phân bón tăng giá, ngành chuyên môn khuyến khích nông dân áp dụng cơ giới sạ hàng để giảm chí phí canh tác, tăng thu nhập.
Hiện tại, các loại phân bón được nông dân sử dụng nhiều như NPK, đạm, lân, kali; tuy nhiên, giá phân đạm, NPK và DAP… trong những ngày qua đã tăng lên rất nhanh, từ 100.000 - 220.000 đồng/bao (mỗi bao 50kg) so với đầu năm 2022. Cụ thể, theo ghi nhận của chúng tôi tại các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Thành, phân NPK 20 - 20 - 15 giá gần 01 triệu đồng/bao; DAP (Trung Quốc) giá trên 1,3 triệu đồng/bao; đạm Phú Mỹ trên 0,84 triệu đồng/bao.
Ông Thạch Thành, ngụ ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc đang bón phân cho 01ha lúa gieo sạ được hơn 22 ngày tuổi. Ông Thành cho biết: mới bắt đầu vào vụ lúa hè - thu mà giá phân bón đã tăng rất nhanh. Trong đó, phân đạm Phú Mỹ, DAP tăng nhanh nhất. Gia đình tôi không có vốn nên mua chịu đến cuối vụ, giá đội lên 10%. Tôi vừa mua 01 bao phân đạm Phú Mỹ với giá 0,9 triệu đồng, 01 bao DAP với giá 1,4 triệu đồng. Theo ông Thành, cứ tới vụ lúa là giá phân bón không hiểu sao cứ tăng lên vùn vụt. Nhà nước cần quản lý, bình ổn giá phân bón để bảo vệ nông dân.
Ông Phan Văn Liền, ngụ ấp Thanh Trì B, xã Đa Lộc cho biết: vụ lúa hè - thu này tôi sạ được 0,26ha, giống lúa OM4900, lúa đang phát triển tốt, ước năng suất đạt 06 tấn/ha, hiện thương lái thu mua với giá bán 5.400 - 5.800 đồng/kg (lúa cắt bằng máy gặt đập liên hợp). Trong khi đó, giá phân tăng lên trung bình mỗi bao 100.000 - 200.000 đồng. Nếu giá lúa như thế này, giá phân cứ tăng, chắc chắn nông dân sẽ gặp khó. Trong khi đó, đa số nông dân đều mua chịu phân, thuốc đến cuối mùa mới thanh toán lại cho đại lý, nên ngoài chịu áp lực tăng giá còn gánh thêm phần lãi suất mà người bán thỏa thuận, điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và thu nhập của người dân.
Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Khóm 1, thị trấn Châu Thành, ông Trần Văn Thợ cho biết: tất cả các loại phân bón đều tăng giá, có loại tăng hơn gấp 02 lần so với năm 2020. Mỗi ngày, các công ty phân bón đều thông báo phân tăng giá. Theo tìm hiểu của tôi, nguyên nhân tăng giá phân bón chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành tăng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chi phí vận tải trong nước và thế giới, nhất là cước tàu biển, cũng tăng mạnh khiến chi phí đầu vào tăng. Trong những tháng đầu năm do giá xăng, dầu tăng, đây cũng là một trong những nguyên nhân đẩy giá thành sản xuất và chi phí vận chuyển tăng. Giá phân bón tăng cao, trong khi giá lúa không tăng, nông dân đang gặp khó. Hiện, tại cửa hàng, giá phân NPK 20 - 20 - 15 gần 01 triệu đồng/bao; DAP (Trung Quốc) giá trên 1,3 triệu đồng/bao; đạm Phú Mỹ trên 0,84 triệu đồng/bao.
Ông Trương Kính Hoa, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: vụ lúa hè - thu 2022, đến thời điểm này, nông dân xuống giống được 14.397ha, trong đó, giai đoạn mạ trên 3.600ha, đẻ nhánh 10.787ha. Hiện nguồn nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lúa, như xăng, dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… liên tục tăng cao, làm tăng giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho người sản xuất.
Để giảm chi phí đầu vào do giá phân bón tăng, người dân nên áp dụng các quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, sạ thưa… trong đó lưu ý giảm lượng giống gieo sạ, bón phân đúng theo quy trình, tận dụng các nguồn phân hữu cơ tại chỗ. Thời gian tới, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tăng cường phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, buôn bán phân bón nhằm kịp thời phát hiện, xử lý việc đầu cơ, tích trữ hàng hóa; hàng không bảo đảm chất lượng, hàng giả trên địa bàn huyện làm ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và năng suất lúa của nông dân.
Trước tình hình vật tư nông nghiệp biến động theo chiều hướng tăng giá, sâu bệnh thường xuyên xảy ra, hơn nữa, giá nông sản không tăng khiến nhà nông càng tăng thêm gánh nặng. Để giúp người dân sản xuất thuận lợi, giảm bớt khó khăn, các ngành hữu quan trong huyện và tỉnh, nhất là ngành nông nghiệp cần tiếp tục đưa ra những giải pháp thiết thực hơn nữa, hướng dẫn nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật “đúng lúc, đúng cách”; đồng thời, tích cực chỉ đạo sản xuất các vụ lúa, màu hợp lý, tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao giá trị kinh tế.
Các đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp cũng cần có kế hoạch dự trữ, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng, giá cả hợp lý cho nông dân, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất. Các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi của nông dân.
Bài, ảnh: PHAN TUẤN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.