22/05/2023 08:37
Theo ghi nhận của phóng viên, những năm gần đây, các giống lúa thuộc nhóm trung bình như lúa gà (ML202), siêu Hàm Châu... giảm mạnh và thay thế vào các giống lúa chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Riêng vụ lúa hè - thu năm 2023, nông dân ở nhiều địa phương như Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và Cầu Ngang “chuộng” các giống như Đài thơm 8, OM5451, ST24, ST25. Đây là các giống khá thích nghi trong vụ hè - thu và giá bán tương đối cao, ổn định.
Nông dân Thạch Phiên gieo sạ vụ hè - thu năm 2023 với giống lúa OM5451.
Tính đến ngày 05/5/2023, nông dân trong tỉnh đã xuống giống trên 12.000ha, tập trung nhiều ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần… các giống lúa được nông dân xuống giống nhiều là OM5451, OM4900, OM6169, Đài thơm 8.
Vụ hè - thu năm nay, huyện Càng Long có diện tích xuống giống trên 8.000ha. Những năm trước đây, Càng Long là địa phương có diện tích sản xuất giống lúa ML202 cao nhất so với các địa phương khác trong tỉnh (trên 35%) tập trung ở các xã Tân An, Tân Bình, An Trường, Huyền Hội… Từ năm 2022 đến nay, giống lúa này giảm mạnh và đang dần thay thế bằng các bộ giống thuộc nhóm chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Á, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Càng Long: đối với giống lúa ML202 hiện nay do nguồn cung chủ yếu cho nguyên liệu làm bánh tráng, hủ tiếu và nuôi gà, vịt; chất lượng lúa thấp nên xuất khẩu không được, cùng với đó là giống lúa bị thoái hóa, dễ nhiễm bệnh và giá thành lúa ML202 hiện thấp hơn các giống lúa ở nhóm chủ lực từ 200 - 300 đồng/kg… Vì vậy, trong vụ lúa hè - thu năm 2023, các giống lúa như Đài thơm 8, OM5451 chiếm trên 45%/tổng diện tích xuống giống.
Nông dân Thạch Chiện, ấp Cả Chương, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: trước đây gia đình rất chuộng giống ML202, do khu vực ấp tiếp giáp với xã Tân An (huyện Càng Long), nên nông dân ở đây sản xuất theo phong trào. Nhưng từ vụ lúa đông - xuân năm 2021 - 2022, gia đình có hơn 01ha sản xuất lúa đã không còn gieo trồng giống ML202 và thay vào đó là giống OM5451, đây là giống có năng suất cũng khá tương đồng với giống lúa ML202 (dao động 07 - 7,5 tấn/ha) và có giá cao hơn (riêng vụ đông - xuân 2022 - 2023, thương lái thu mua 6.900 đồng/kg; còn ML202 là 6.500 đồng/kg). Điều kiện ở vụ hè - thu này, làm giống lúa OM 5451 phù hợp hơn, còn giống ML202 rất dễ bị bệnh thối rễ và sâu rầy tấn công.
Đồng chí Nguyễn Bích Hiền, Tổ phó Tổ Kỹ thuật thuộc Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp huyện Tiểu Cần cho biết: trước đây, nông dân ở các xã Hiếu Trung, Hiếu Tử (khu vực tiếp giáp với xã Tân An, huyện Càng Long) thường ưa chuộng giống lúa ML202, các địa phương này có diện tích làm giống lúa ML202 thường chiếm trên 30%. Từ năm 2022 đến nay, tổng diện tích lúa làm giống ML202 giảm chỉ còn 04 - 05%/tổng diện tích sản xuất lúa của huyện.
Còn tại xã Long Hiệp, huyện Trà Cú với diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 1.150ha, nhưng không có diện tích sản xuất lúa ML202. Theo nông dân Thạch Phiên, ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp: nông dân ở đây chỉ quen làm với giống lúa siêu Hàm Châu, OM5451 do nhu cầu thu mua lúa của các thương lái nên nông dân sản xuất theo. Hiện giống lúa này cho năng suất rất cao và nông dân dễ tiếp cận mua lúa giống cấp xác nhận về gieo trồng, nên không bị thoái hóa và đáp ứng được chất lượng hạt gạo sau sản xuất.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.