23/03/2022 07:52
Nguyên nhân do độ mặn tăng cao, nhưng thời gian ngắn (khoảng 02 - 03 giờ theo chu kỳ 01 con nước); cùng với đó, các nhà vườn đã có sự chủ động tốt trong việc quản lý chặt các cống bọng lấy nước vào vườn cây ăn trái, đảm bảo trên 90% nguồn nước được kiểm soát ra - vào khu vực canh tác.
Nhà vườn Trần Thị Ngọc phấn khởi với vụ chôm chôm 2022, ước năng suất đạt khoảng 05 - 06 tấn/0,4ha.
Trong quý I/2022, nhà vườn huyện Cầu Kè đã thu hoạch được 73.764 tấn trái cây các loại, đạt 44,71% kế hoạch, tăng 40.194 tấn so với cùng kỳ; chủ yếu là các loại cây ăn trái như: cam sành, chanh, nhãn, bưởi, xoài, ổi, sầu riêng… Dự kiến đến tháng 6/2022 sẽ thu hoạch dứt điểm mùa vụ trái cây năm 2022. Hiện nay, các loại cây ăn trái mẫn cảm với độ mặn như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... qua tác động mặn của những năm qua, đã được các nhà vườn xử lý.
Nhà vườn Trần Thị Ngọc, ấp cù lao Tân Qui 1, xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè cho biết: gia đình có 0,6ha trồng chôm chôm, do ảnh hưởng vụ mặn xâm nhập năm 2016 - 2017 đã làm thiệt hại 0,2ha chôm chôm, buộc phải đốn bỏ. Từ vụ chôm chôm 2019 - 2020, tình hình mặn ít xảy ra và gia đình đầu tư chăm sóc khôi phục lại vườn chôm chôm. Vụ trái năm 2021, thu hoạch được 3,5 tấn/0,4ha, dự kiến mùa vụ năm 2022, năng suất khoảng 05 - 06 tấn/0,4ha.
Cũng theo nhà vườn Trần Thị Ngọc, phần lớn các diện tích chôm chôm ở cù lao Tân Qui hiện nay cơ bản được khôi phục và ổn định dần về năng suất. Để đạt được hiệu quả trên, là nhờ nhà vườn chủ động trong ngăn mặn và quản lý tốt nguồn nước lấy vào trong vườn qua các hệ thống cống, bọng khép kín trong từng khu vườn. Tuy nhiên, các hộ trồng chôm chôm ở Tân Qui (hiện còn khoảng 120ha) đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước trong triển khai nguồn vốn vay ưu đãi để khôi phục diện tích cây chôm chôm (một trong những cây ăn trái đặc sản của cù lao Tân Qui) gắn kết với du lịch sinh thái vườn.
Ngoài cây chôm chôm, măng cụt, thì xoài cũng đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch đợt 2 (tháng 3, tháng 4/2022) đang được các nhà vườn kiểm soát, quản lý rất chặt về nguồn nước, khi tình hình mặn ở Sông Hậu xuất hiện trong những ngày giữa tháng 3/2022 trên 01‰; như ngoài cống Cần Chông 5,33‰ (0 giờ, ngày 16/3/2022); ngoài cống Bông Bót 2,28‰ (03 giờ 30 phút, ngày 15/3/2022)... các nhà vườn ven Sông Hậu ở các xã Ninh Thới, Hòa Tân, An Phú Tân (huyện Cầu Kè), Tân Hòa, Hùng Hòa, thị trấn Cầu Quan (huyện Tiểu Cần) sẵn sàng cho việc ngăn mặn, đóng các cống, bọng không đưa nước vào để bảo vệ vườn cây ăn trái.
Nhà vườn Nguyễn Văn Đệ, Tổ 2, ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè chia sẻ: gia đình có khoảng 02ha xoài cát Chu, còn 20 ngày nữa thu hoạch do diện tích vườn xoài của các nhà vườn An Lộc thường nằm cặp ven Sông Hậu và các khém lớn chưa có cống, nên khi nước mặn ngoài sông (ở vàm Cầu Quan) xuất hiện, các nhà vườn ở đây đã “thủ” để kịp đóng tất cả các bọng dẫn nước vào vườn. Với các thông tin về quan trắc và dự báo của ngành nông nghiệp, nên nhà vườn có sự chủ động từ 02 - 03 tiếng trước khi mặn xuất hiện và lấn sâu xuống ở Sông Hậu.
Cũng theo nhà vườn Nguyễn Văn Đệ, thời điểm hiện nay, với giá xoài cát Chu được thương lái thu mua (xoài sô 15.000 đồng/kg; xoài bao trái 20.000 đồng/kg) nhà vườn rất phấn khởi, nên ai cũng ra sức theo dõi diễn biến mặn, giữ các cống bọng rất kỹ. Chỉ còn khoảng 01 tháng là kết thúc vụ xoài, nếu để nước mặn lọt vào vườn, thì 03 - 05 ngày sau coi như trắng tay (rụng trái).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.