24/04/2021 07:00
Mô hình nuôi tôm xen rừng đước của ông Dương Văn Đảnh, ấp Định An, xã Đông Hải.
Thông tin từ UBND xã Đông Hải, quý I/2021, nhờ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nên sản lượng nuôi và đánh bắt thủy sản tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Riêng lĩnh vực nuôi thủy sản, đạt 1.229 tấn, đạt gần 15% so với Nghị quyết năm. Đến cuối tháng 3/2021, toàn xã có 1.137 lượt hộ nuôi tôm sú với 1.554ha, 204 lượt hộ nuôi tôm thẻ chân trắng 88,4ha… Cùng với mô hình nuôi thủy sản xen rừng đước, mắm, nông dân xã Đông Hải còn nuôi cua biển, các loài nhuyển thể khác, phần lớn đạt hiệu quả.
Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững, từ đầu năm 2020 đến nay, nông dân xã Đông Hải đã chuyển đổi gần 100ha đất sản xuất kém hiệu quả, đất tạp sang nuôi tôm, cua. Trong đó, từ mô hình nuôi quảng canh sang thâm canh gần 80ha; chuyển sang nuôi tôm thâm canh mật độ cao 16ha, bước đầu mang lại hiệu quả cao hơn so với hình thức sản xuất trước khi chuyển đổi. Đặc biệt, một số hộ nuôi theo mô hình rừng - tôm cho hiệu quả kinh tế ổn định, từng bước được xã Đông Hải vận động, nhân rộng đến các hộ có điều kiện.
Theo ông Trần Kiến Chúc, trên địa bàn xã có nhiều mô hình nuôi tôm dưới tán rừng không chỉ giúp hộ nuôi có thu nhập ổn định, mà còn vươn lên làm giàu; đặc biệt, góp phần đáng kể trong việc bảo vệ rừng ngập mặn, một trong những chủ trương được tỉnh ưu tiên thực hiện thời gian qua. Điển hình như hộ ông Dương Văn Đảnh, ấp Định An, với diện tích khoảng 0,5ha ông quyết định để lại rừng đước dọc theo mương để nuôi tôm. Tuy lợi nhuận không lớn như nuôi công nghiệp, song hàng năm vẫn cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng.
Qua tìm hiểu thực tế ở một số hộ nuôi tôm trên địa bàn xã Đông Hải theo mô hình rừng - tôm, chúng tôi có chung nhận xét: trước đây, do chưa hiểu hết tầm quan trọng của việc nuôi tôm dưới tán rừng, ít chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng nên tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh chết. Từ khi Đảng ủy, UBND xã, các đoàn thể vận động bảo vệ rừng, trồng thêm rừng để tạo môi trường sinh thái, người dân thực hiện mô hình nuôi tôm kết hợp trồng rừng, hầu hết tôm nuôi cho thu hoạch cao.
Để giữ rừng, phát triển rừng, hình thành mô hình tôm - rừng, tôm - cua, ông Trần Kiến Chúc cho biết: những năm qua, thực hiện chỉ đạo của trên, xã chủ trương và vận động đến người dân cải ao nuôi các loại thủy sản phải tuân thủ đúng quy trình và lịch thời vụ. Ðồng thời, đối với rừng, cần chặt tỉa dọn dẹp vệ sinh, giảm bớt độ che phủ để có ánh nắng tạo ô-xy cho tôm phát triển. Chọn con giống có nguồn gốc, trước khi thả nên xét nghiệm để bảo đảm cho vụ nuôi đạt hiệu quả. Trong quá trình nuôi nên thường xuyên kiểm tra sự phát triển của con tôm để có biện pháp xử lý kịp thời. Ðồng thời theo dõi độ pH, độ mặn trong vuông tôm, nhất là có xen diện tích rừng để xử lý phù hợp cho tôm phát triển nhanh. Tôm nuôi dưới tán rừng không chỉ ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, mà còn rất ổn định và cho thu nhập cao, nhất là trước tình hình biến đổi khí hậu. Nhiều năm liền mô hình này mang lại lợi nhuận cho hộ nuôi từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Thông tin từ lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau nhiều năm trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, khi rừng đước ngày một phát triển, tán rừng ngày một dày, lợi nhuận từ con tôm, con cua, con cá cũng tăng theo. Để bảo vệ rừng ngập mặn, tỉnh đã sử dụng nhiều nguồn vốn để phát triển mô hình nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng nói riêng, các loài nhuyển thể nói chung, khoán đất rừng cho các hộ trồng mới, kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Đối với xã Đông Hải, những năm qua, người dân thực hiện mô hình nuôi tôm dưới tán rừng hiệu quả. Do vậy, nếu trước đây nông dân thường xuyên chặt phá rừng để nuôi tôm, giờ nông dân nhận thấy lợi ích của rừng nên quay lại trồng rừng. Từ đó, diện tích và số hộ dân tự đầu tư bờ, liếp để trồng thêm rừng ngày càng tăng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đối với tôm nuôi luôn là tiềm ẩn, nguy cơ bùng phát một số bệnh, gây chết diện rộng rất có thể xảy ra. Do đó, mô hình nuôi tôm - rừng, tôm sinh thái là điểm sáng, là hướng đi cho người dân. Mô hình này cần được cơ quan chuyên môn, quản lý chuyên ngành lưu tâm để tìm giải pháp phát huy cũng như nhân rộng trong dân trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.