05/07/2020 13:04
Với mục tiêu đó, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành tập trung triển khai các giải pháp chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng giá trị trên đơn vị diện tích canh tác, tăng thu nhập của nông thôn, góp phần thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn.
Để nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, xã đã khuyến khích vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng những loại giống cây trồng mới có năng suất và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của từng vùng. Bên cạnh đó, các tiến bộ kỹ thuật mới tiếp thu và nhân rộng. Không chỉ vậy, các giống cây trồng dài ngày, năng suất và chất lượng thấp được nông dân thay thế bằng các giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao.
Nông dân Trương Công Thành, ngụ ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu từ năm 2019 đến nay trên diện tích 0,2ha (chủ yếu trồng dưa leo) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Thành cho biết: trồng màu hiệu quả kinh tế gấp 05 lần so với trồng lúa, nhất là cây dưa leo là cây trồng ngắn ngày hơn 02 tháng cho thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 20 ngày, lợi nhuận bình quân đạt 06 triệu đồng/1.000m2, vụ màu năm 2020 tình hình hạn, mặn xâm nhập, tôi chuyển sang trồng thâm canh cây dưa leo và chuyển đổi gần 0,2ha diện tích dừa kém hiệu quả sang trồng dưa leo, đặc biệt đợt dưa leo vừa qua không chỉ được mùa, còn được giá, lợi nhuận đạt 08 - 10 triệu đồng/1.000m2.
Nông dân Trương Công Thành, ấp Bót Chếch, xã Lương Hòa tận dụng diện tích đất trồng dưa leo vừa thu hoạch để cải tạo, xử lý đất xuống giống vụ dưa leo mới.
Qua ghi nhận của chúng tôi, thời gian qua, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, do diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, từ đó, xã đã chỉ đạo tập trung đẩy mạnh chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo quy hoạch, chọn những cây trồng, vật nuôi, phù hợp và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển những mô hình sản xuất có hiệu quả. Trong 05 năm qua xã đã chuyển đổi 54,4ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, đạt % Nghị quyết và hình thành một số mô hình sản xuất hiệu quả và lan rộng như mô hình tổ hợp tác trồng màu tiết kiệm nước, măng tây xanh ở ấp Bót Chếch, Bình La, đến cuối năm 2020 diện tích trồng màu của xã đạt 3.551ha.
Song song đó, diện tích cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng dừa, bưởi da xanh phát triển mạnh với 962,62ha, giá trị sản xuất đạt 150 triệu đồng/năm, trong này cây dừa 585,83ha (diện tích dừa đang cho trái khoảng 541ha), cây ăn trái như cam, bưởi 376,79ha. Hiện nay, xã có gần 28ha bưởi da xanh đạt tiêu chuẩn VietGAP và đây cũng là sản phẩm xã chọn xây dựng sản phẩm OCOP, hướng đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa.
Thời gian gần đây, phong trào chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang nuôi cá lóc ngày càng phát triển khá với tổng sản lượng hàng năm đạt 3.030 tấn, đạt 101% Nghị quyết, góp phần nâng cao thu nhập kinh tế hộ. Tuy nhiên, vụ nuôi cá lóc năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 giá cá lóc thương phẩm giảm mạnh, người nuôi thua lỗ nặng.
Với hy vọng lấy công bù lỗ, thu hồi vốn đầu tư ban đầu trong sản xuất, nông dân Bạch Quang Vinh, ấp Ô Chích B, xã Lương Hòa sau khi thu hoạch cá lóc đem ra các chợ xã trong và ngoài huyện bán lẻ. Ông Vinh cho biết: với 600m2 đất vụ cá lóc năm nay tôi thả trên 50.000 con giống với tổng vốn đầu tư gần 01 tỷ đồng, đến ngày thu hoạch giá cá lóc liên tục sụt giảm có thời điểm xuống còn 28.000 đồng/kg. Trước khó khăn đó, tôi quyết định chuyển sang hình thức bán lẻ tại các chợ xã bằng cách hàng ngày thu hoạch khoảng 60 - 70kg cá lóc buổi sáng bán tại chợ địa phương hoặc các xã lân cận, buổi chiều đem bán ở khu vực nhóm chợ Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh, giá bán lẻ từ 35.000 - 38.000 đồng/kg. Tuy cực công nhưng kết thúc vụ nuôi tôi không chỉ thu hồi vốn, mà còn lời vài triệu đồng.
Trong chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, xã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với XDNTM, xã đặc biệt quan tâm và tập trung dành nguồn lực lớn để đầu tư cho phát triển mô hình sản xuất, lấy Nhân dân làm chủ thể thực hiện, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ để nông dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Bên cạnh đó, xã tập trung xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tìm đầu ra sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời đang xây dựng và triển khai đề án mỗi xã, phường một sản phẩm. Đến nay, xã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí XDNTM, đang chờ tỉnh, huyện thẩm tra để được công nhận.
Theo ông Huỳnh Kim Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa, tuy thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp tạo chuyển biến mạnh mẽ, phát triển toàn diện nông nghiệp và nông thôn, từng bước hình thành chuỗi giá trị sản xuất, nòng cốt là tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp, nhưng hiệu quả kinh tế còn bấp bênh và chưa tương xứng với tiềm năng, đời sống kinh tế của Nhân dân còn khó khăn do ảnh hưởng tình hình biến đổi khí hậu, giá bán ra không ổn định nên làm giảm năng suất cũng như lợi nhuận của nông dân.
Ông Huỳnh Kim Chung cho biết thêm: để thực hiện đạt mục tiêu, nhiệm vụ năm, thời gian tới, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ phải được triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn nữa trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Riêng đối với giải pháp quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, xã tập trung chỉ đạo chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái, phát triển dịch vụ khuyến nông, giúp nông dân thay đổi và nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, xã hỗ trợ nông dân kết nối, tiếp cận với chuyển giao công nghệ với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, liên kết “bốn nhà”. Tập trung phát triển đưa cây màu xuống chân ruộng, giảm diện tích 03 vụ lúa, mở rộng diện tích lúa 02 vụ (hè - thu và đông - xuân). Đến năm 2025, giảm diện tích trồng lúa còn 2.700ha, đảm bảo lương thực hàng năm đạt bình quân 14.643 tấn (trong đó có 119,7 tấn màu lương thực). Tiếp tục phát huy vùng chuyên canh màu ở các ấp đến 2025 đạt 503,5ha, góp phần xây dựng cơ cấu nông nghiệp của xã theo hướng hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; cải thiện đời sống cho nông dân, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.