19/08/2020 06:20
Nông dân Nguyễn Văn Nhẫn, ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc chăm sóc cà chua.
Ông Dương Văn Đởm, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Long Bắc cho biết: xã có diện tích tự nhiên 2.607ha, trong đó có 1.661ha diện tích đất nông nghiệp, đời sống chủ yếu của Nhân dân sản xuất nông nghiệp. 05 năm gần đây, kinh tế của xã phát triển bền vững, ổn định, tạo việc làm, tăng thu nhập góp phần giảm nghèo, xây dựng thành công xã NTM.
Mặc dù diện tích đất nông nghiệp phát huy hiệu quả cao nhờ hưởng lợi từ dự án Nam Măng Thít nhưng xã gặp không ít khó khăn, thách thức của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, giá hàng hóa nông sản biến động,… đã làm ảnh hưởng đến sản xuất và lợi nhuận của nông dân. Trước thực trạng trên, qua rà soát quy hoạch XDNTM, Đảng bộ xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhất là đưa cây màu dưới chân ruộng chủ yếu những cây trồng có giá trị kinh tế cao như đậu phộng, dưa hấu, bí đỏ và ớt chỉ thiên,… góp phần tăng thu nhập cho người dân gấp 05 - 07 lần so với trồng lúa.
Bên cạnh đó, nông dân áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trồng bằng màng phủ nông nghiệp, tưới phun sương, tưới nhỏ giọt để trồng dưa hấu, bí đỏ, đậu phộng, bắp, ớt chỉ thiên. Ngoài ra, nông dân còn chuyển đổi 90ha đất trồng lúa ngoài tuyến đê bao Tỉnh lộ 915B sang nuôi tôm thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập 300 triệu đồng/ha, tăng 220 triệu đồng/ha so năm 2015, góp phần nâng thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm, tăng 2,1 lần so năm 2015, hộ nghèo còn 1,3%.
Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, 05 năm qua, xã tích cực vận động nông dân chuyển đổi diện tích cây trồng hoặc áp dụng các mô hình luân canh, xen canh cho hiệu quả kinh tế cao, nhất là chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng những cây màu có giá trị kinh tế cao, đã giúp nông dân nâng hiệu quả kinh tế cao gấp từ 04 - 05 lần trên cùng đơn vị diện tích. Năm 2020 gặp nhiều khó khăn do nắng hạn kéo dài, tình hình mặn xâm nhập nên đã ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, việc chuyển đổi tái cơ cấu sản xuất kinh tế góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của nông dân.
Điển hình như nông dân Nguyễn Văn Nhẫn, ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc liên tục 04 năm chuyển đổi đất lúa hè - thu kém hiệu quả sang trồng màu trên diện tích 0,45ha, lợi nhuận sau thu hoạch đạt từ 25 - 30 triệu đồng/vụ. Ông Nhẫn cho biết: với diện tích trên, trước đây hàng năm tôi trồng 02 vụ lúa - 01 vụ màu chủ yếu dưa hấu hoặc đậu phộng. Những năm qua, thời tiết diễn biến phức tạp, hạn mặn, nắng nóng kéo dài tình hình sản xuất lúa hè - thu gặp nhiều khó khăn, nên thời gian gần đây tôi chuyển đổi đất lúa hè - thu sang trồng cà chua hoặc ớt chỉ thiên đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp 05 lần so với trồng lúa.
Ngoài 0,3ha ớt chỉ thiên đang thu hoạch ở cổ 3, thu nhập 70 triệu đồng, lợi nhuận 50 triệu đồng, còn 0,15ha đất còn lại tôi xuống giống trồng cà chua. Ngoài nguồn thu nhập từ trồng màu, tôi còn nuôi 04 con bò sinh sản, mỗi năm xuất bán 02 con, lợi nhuận 25 triệu đồng/năm; đồng thời giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn trong mùa thu hoạch hoa màu.
Theo ông Dương Văn Đởm, chuyển đổi mô hình từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng luân canh rau màu là hướng đi đúng, giúp nông dân thu nhập ổn định, giảm áp với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay. Để nâng cao giá trị sản xuất đất nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, thúc đẩy lộ trình xây dựng đạt chuẩn xã NTM nâng cao và góp phần cùng huyện xây dựng thành công huyện NTM, xã tiếp tục ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch lại diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu, nuôi tôm thâm canh ở những nơi có điều kiện, liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông - công nghiệp với các mô hình liên kết đầu tư sản xuất - thu mua - chế biến - tiêu thụ.
Đồng thời, xã tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khu neo đậu tránh trú bão Vàm Lầu (khoảng 38ha), khuyến khích phát triển các loại hình dịch vụ nông nghiệp. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật để chuyển giao khoa học - kỹ thuật hướng dẫn nông dân tăng vòng quay của đất nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị diện tích đất; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của xã phát triển.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.