31/10/2021 13:50
Hiện, tổng đàn bò của xã Phương Thạnh có gần 3.200 con, bò được người dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tại hộ gia đình. Qua công tác tuyên truyền, vận động của địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng, người nuôi bò ở địa phương hiểu biết về bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò về sự nguy hại của dịch bệnh. Xã Phương Thạnh chỉ đạo các ấp rà soát, nắm lại số lượng đàn bò trên địa bàn, đồng thời triển khai công tác tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh. Đến nay, toàn xã có 3.029 con bò đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Trong đó, ngành chuyên môn tiến hành tiêm miễn phí cho 1.136 con bò của người dân trong xã.
Trước những tác động và nguy cơ của dịch bệnh, người chăn nuôi bò ở xã Phương Thạnh chủ động tiêm ngừa bệnh viêm da nổi cục cho đàn bò từ nguồn vắc-xin xã hội hóa.
Ông Nguyễn Văn Vũ, ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh đang nuôi 04 con bò, nắm được thông tin về dịch bệnh, ông chủ động liên hệ với thú y dịch vụ tiêm cho đàn bò của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thương, ấp Thiện Chánh, xã Phương Thạnh biết, về dịch bệnh viêm da nổi cục, ông cũng tìm hiểu về việc vắc-xin ngừa bệnh không thể tiêm cho bò đang mang thai và bê con dưới 02 tháng tuổi. Đến thời điểm này, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò của xã Phương Thạnh đạt trên 94% so với tổng đàn, số còn lại do bò mẹ đang trong thời gian mang thai và bê con dưới 02 tháng tuổi nên không nằm trong danh mục tiêm. Số lượng bò chưa được tiêm sẽ được xã tổ chức tiêm bù, vét trong thời gian sắp tới.
Theo bà Võ Minh Trang, cán bộ thú y xã Phương Thạnh, bệnh viêm da nổi cục còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra. Đường truyền lây chủ yếu qua muỗi, ruồi, ve cắn đốt, bệnh cũng có thể lây truyền trong quá trình vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn và qua tiếp xúc trực tiếp. Khi trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu sốt cao, bỏ ăn, dẫn đến suy nhược, gầy yếu, giảm khả năng tiết sữa ở gia súc đang cho con bú, viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt, các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. Bệnh gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể bị chết, gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi.
Ông Lê Hoàng Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Thạnh cho biết: nhờ sự chủ động của người dân và sự vào cuộc kịp thời của chính quyền và ngành chuyên môn trong công tác tiêm phòng, đến thời điểm này, xã Phương Thạnh chỉ ghi nhận 01 trường hợp bò nuôi bị bệnh viêm da nổi cục, hộ chăn nuôi và chính quyền địa phương đã chủ động thực hiện các biện pháp chữa trị tích cực nên gia súc đã khỏi bệnh không để lây lan.
UBND xã chỉ đạo các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng, đặc biệt khi phát hiện trâu, bò bị bệnh phải nhanh chóng khai báo với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn, không tự ý giết mổ, mua bán trâu, bò bị bệnh. UBND xã cho các cơ sở giết mổ trên địa bàn làm cam kết giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, không giết mổ, vận chuyển gia súc bị bệnh hoặc có dấu hiệu bị bệnh để tránh làm lây lan dịch bệnh.
Người chăn nuôi bò ở xã Phương Thạnh luôn ý thức trong việc vệ sinh chuồng trại cho vật nuôi để phòng ngừa dịch bệnh.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.