11/03/2022 06:59
Trước tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH) gây bất lợi trong sản xuất nông nghiệp, như khô hạn, thiếu nước ngọt, mặn xâm nhập… Song song đó, chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp tăng cao; do đó, để phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng hiệu quả (chủ yếu trên cây lúa, với hơn 200.000ha) ổn định, an toàn, bền vững trước mắt cũng như về lâu dài đòi hỏi nông dân cần có những bộ giống và quy trình canh tác tiên tiến, phù hợp với thực tế của từng vùng, từng địa phương theo hướng canh tác thông minh.
Canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH đang được ngành nông nghiệp hướng đến và nhân rộng cho nông dân trong tỉnh.
Để tìm ra những bộ giống thích nghi cao trước BĐKH, đã và đang được Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tích cực với các viện, trường nghiên cứu, lai tạo các giống lúa triển vọng; cũng như xây dựng, ứng dụng các quy trình canh tác thông minh từ Chương trình Khuyến nông quốc gia… Qua gần 04 năm triển khai và thực hiện lai tạo các giống lúa của Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đem lại nhiều triển vọng cho người trồng lúa ở Trà Vinh nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Với các giống lúa tiềm năng chịu mặn như: Hatri 20, Hatri 60, Hatri 62, Hatri 170, Hatri 190 và TLG1 có khả năng chịu mặn dao động từ 3,5-05‰ và năng suất tương đối cao, từ 5,5 - 08 tấn/ha; các bộ giống hạt tròn, chịu hạn như Hatri 5, Hatri 200, Hatri 500, TMG 434, TMG 432 và BL 12, thời gian sinh trưởng dao động từ 110-120 ngày.
Qua trao đổi với chúng tôi, GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL chia sẻ: giống lúa phục vụ sản xuất trước BĐKH, đối với vùng Trà Vinh có đặc điểm thường bị khô, mặn… từ đó, Viện đã nghiên cứu và đưa những bộ giống thực nghiệm vào sản xuất nhằm thích nghi với 02 yếu tố trên cho vùng ĐBSCL nói chung và vùng đất Trà Vinh nói riêng. Thành công bước đầu đã sản xuất và lai tạo được một số giống tiềm năng cho nông dân, cùng với đó, ngoài các bộ giống lúa được nghiên cứu, lai tạo vừa phục vụ xuất khẩu vừa phục vụ chế biến. Viện cũng nghiên cứu và sản xuất các giá trị gia tăng từ các giống lúa trên, như sản phẩm hủ tiếu từ gạo trồng ở Trà Vinh đạt hiệu quả cao. Bên cạnh, các giống lúa sản xuất ở vùng đất mặn có đặc tính thơm nhẹ (thông qua bộ gien nhiễm sắc thể số 8), khác với các giống lúa ở vùng ngọt hóa; điển hình là giống TPG1 đã được công nhận giống và triển khai trồng tại huyện Cầu Ngang.
Bên cạnh xây dựng và lựa chọn ra các bộ giống tiềm năng vào canh tác; cũng cần có những quy trình canh tác phù hợp trước BĐKH nhằm giúp nông dân vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, phát huy tối đa hiệu suất của các giống lúa khi đưa xuống đồng ruộng. Canh tác lúa thông minh trước BĐKH đang được ngành nông nghiệp tỉnh (thông qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh) phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh triển khai nhiều năm qua ở Trà Vinh. Trong này, sử dụng quy trình phân bón thông minh kết hợp với ứng dụng cơ giới hóa vào canh tác đã mang lại hiệu quả tích cực trong canh tác lúa trước BĐKH hiện nay.
PGS.TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng bộ phận Thường trực Nam bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), là một trong những thành viên tham gia triển khai mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Trung tâm Khuyến nông các tỉnh ĐBSCL cho biết: canh tác thông minh, chính là ứng dụng tốt và đồng bộ các giải pháp của khoa học - kỹ thuât, cơ giới hóa vào canh tác. Điển hình là đưa máy sạ cụm (sạ khóm) vào vừa giúp nông dân giảm lượng lúa giống (từ 80-100kg/ha ở sạ hàng, giảm còn 40-50kg/ha khi sử dụng máy sạ cụm). Cùng với đó là kết hợp với tưới ngập- khô xen kẽ, sử dụng lượng phân bón thông minh theo từng chu kỳ sinh trưởng của cây lúa, sẽ tiết kiệm chi phí nhờ không bón thừa phân, dễ dẫn đến sâu bệnh…
Máy sạ cụm với quy cách: hàng cách hàng 30cm; hạt rơi trên hàng khoảng 16cm; mật độ từ 04-08 hạt lúa/lổ… với khoảng cách, mật độ này làm tăng độ nẩy bụi và tạo hạt nhiều trên nhánh lúa khi ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ. Từ đó, tạo năng suất lúa cao hơn so với sạ dày và qua thực tế đã triển khai cho các vùng lúa ở các tỉnh ĐBSCL từ năm 2020 đến nay, năng suất dao động ở mức 07-7,5 tấn/ha.
Nông dân Kiên Sô Phone, ấp Sóc Cụt, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang tham gia ứng dụng mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH sử dụng máy sạ cụm, cho biết: với diện tích 0,5ha thực hiện mô hình và 0,5ha đối chứng trong vụ đông-xuân 2021-2022; qua đánh giá, ruộng mô hình có 362 bông/m2 (đối chứng 405 bông/m2) nhưng số hạt hữu hiệu đạt 117 hạt/bông (92 hạt/bông) và năng suất, chi phí đối với mô hình 7,8 tấn/ha, chi phí 19,88 triệu đồng; đối chứng 07 tấn/ha, chi phí 20,66 triệu đồng… sản xuất lúa trong mô hình cho lợi nhuận 25,36 triệu đồng/ha, ngoài mô hình là 19,93 triệu đồng/ha.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, để đưa sản xuất nông nghiệp từng bước thích ứng với BĐKH, Viện còn hướng đến các giống cây trồng khác như đậu phộng cho vùng đất giồng cát huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú. Hiện nay, qua đánh giá cho thấy các đặc điểm của cây đậu phộng ở vùng giồng cát trong tỉnh Trà Vinh đều đạt các giá trị cao hơn so với các vùng trồng khác như ở tỉnh Long An, An Giang như màu sắc, năng suất và chất lượng nhân đậu… do đó, Viện đang tiến hành xây dựng mô hình sản xuất theo hướng VietGAP cho khoảng 30ha ở huyện Cầu Ngang và Trà Cú để xây dựng thương hiệu cho vùng trồng đậu phộng của tỉnh… Về phía ngành nông nghiệp tỉnh, Trung tâm Khuyến nông, Sở Khoa học và Công nghệ cần tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình để triển khai cho nông dân tiếp cận và đưa vào canh tác.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.