17/02/2022 07:31
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết: năm 2022, biến đổi khí hậu (BĐKH) gây nên thời tiết cực đoan hơn, hạn hán và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống dân sinh; cùng với đó, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát... Qua đó, đòi hỏi toàn ngành phải vừa ứng phó kịp thời, vừa có chiến lược lâu dài để phát triển sản xuất, hạn chế tối đa thiệt hại. Trong này, thông qua Đề án rà soát hệ thống công trình thủy lợi phục vụ phân vùng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong điều kiện BĐKH.
Công trình cống Ô Rung (xã Phước Hưng, huyện Trà Cú) nằm ven Kênh 3 Tháng 2 đang được thi công có nhiệm vụ tiếp nước và trữ ngọt cho phía trong vùng nội đồng.
Thông qua Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 987/QĐ-TTg, ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Trà Vinh ban hành kèm theo Quyết định số 3348/QĐ-UBND, ngày 30/9/2020 của UBND tỉnh, Kế hoạch hiện đại hóa hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 3511/QĐ-UBND, ngày 21/10/2020 và Kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2026; Kế hoạch phòng, chống thiên tai năm 2022...
Để đảm bảo nguồn nước ngọt phục vụ trong sản xuất, đặc biệt là hàng năm trong vụ đông - xuân thường chịu nhiều tác động của mặn xâm nhập, thiếu nước sản xuất và phục vụ sinh hoạt (đến cuối tháng 01/2022: toàn tỉnh xuống giống được 62.720ha, vượt 16,3% kế hoạch (tương đương 8.789ha) và gần 12.000ha màu các loại). Hiện các địa phương đang tập trung triển khai thực hiện nạo vét các công trình thủy lợi nội đồng, trục vớt lục bình để khơi thông dòng chảy, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công nạo vét các tuyến kênh trục, đáp ứng nhu cầu nguồn nước phục vụ sản xuất.
Thực hiện Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng đồng bằng sông Cửu Long” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 633/QĐ-TTg, ngày 12/5/2020; thông qua đó, tỉnh triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng thủy lợi phục vụ phân vùng sản xuất nông nghiệp địa bàn tỉnh Trà Vinh trong điều kiện BĐKH đến năm 2030. Qua đó, tổng mức đầu tư 4.352,344 tỷ đồng để triển khai thực hiện các hạng mục dự án: hạng mục công trình đê, kè với 16 công trình; hệ thống cống với 28 công trình; hạ tầng thủy lợi phục vụ thủy sản với 09 công trình trên địa bàn huyện Cầu Ngang, thị xã Duyên Hải, huyện Châu Thành và Trà Cú; hồ chứa nước dọc sông Láng Thé (giai đoạn 1 và giai đoạn 2). Trong này, phân kỳ giai đoạn đến năm 2025 gồm 16 công trình, với tổng mức đầu tư 1.519,064 tỷ đồng, giai đoạn sau năm 2025 gồm 39 công trình, với tổng mức đầu tư 2.833,280 tỷ đồng.
Qua trao đổi với ông Thạch Sô Phanh, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, ông cho biết: Hiện nay, trong điều kiện sản xuất bình thường, đối với hệ thống các kênh trục và nội đồng cơ bản điều tiết tốt nguồn nước phục vụ sản xuất lúa. Tuy nhiên, thời điểm từ tháng 02 đến tháng 6 hàng năm, do ảnh hưởng mặn lấn sâu vào thượng nguồn (vàm Cầu Quan, huyện Tiểu Cần; Bông Bót của huyện Cầu Kè) sẽ làm cho việc tiếp ngọt trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Đối với Trà Cú có 02 tiểu vùng chính: khu vực ngoài đê bao, có các xã Đại An, Định An, thị trấn Định An, Kim Sơn, Hàm Tân và một phần xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Thanh Sơn, Hàm Giang và phía trong dự án Nam Măng Thít có các xã Phước Hưng, Tân Hiệp, Long Hiệp, Ngọc Biên, Tập Sơn, Tân Sơn...
Cũng theo ông Thạch Sô Phanh, hiện với việc thi công trạm bơm Kênh 3 Tháng 2 và một số cống điều tiết nước dọc theo Kênh 3 Tháng 2 nhằm phục vụ đa mục cho sản xuất. Riêng trên địa bàn huyện Trà Cú có 10 cống đang được triển khai thi công và trong thời gian tới, sẽ có thêm 15 hệ thống tiếp tục được đầu tư. Qua đó, sẽ giúp cho việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Trà Cú từng bước chủ động về nguồn nước để trữ ngọt khi có mặn, khô hạn xảy ra.
Trong năm 2022, để tiếp tục chủ động trong thực hiện ứng phó với BĐKH qua giải pháp công trình; tập trung thực hiện nạo vét 471 kênh cấp III; sửa chữa, tu bổ 23 công trình bờ bao… ước tổng kinh phí khoảng 42 tỷ đồng. Đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022 theo kế hoạch, phương án của đơn vị, địa phương đã được xây dựng với các kịch bản, như: trường hợp xảy ra rủi ro thiên tai cấp độ 1; trường hợp xảy ra rủi ro thiên tai cấp độ 2.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.