14/06/2021 05:47
Tuyến đê bao khép kín bảo vệ vùng sản xuất lúa của người dân ấp Chòm Chuối (trong ảnh: ông Dương Văn Cộng (phải) kiểm tra lúa của thành viên tổ đê bao).
Những năm gần đây, các huyện chuyên sản xuất lúa đã đồng bộ hệ thống thủy lợi, xây dựng đê bao để có thể canh tác được 03 vụ lúa/năm. Sản xuất lúa 03 vụ/năm nhằm tăng năng suất, bù đắp lượng lúa bị giảm do đất trồng lúa được sử dụng vào mục đích khác. Tuy nhiên, tại vùng chuyên trồng lúa ấp Chòm Chuối, xã Phước Hưng, huyện Trà Cú khoảng 08 năm trước sản xuất gặp nhiều khó khăn do đất trũng, nên thường bị ngập úng, năng suất thấp, chi phí đầu tư cao, đầu ra khó khăn.
Theo những người dân ở ấp Chòm Chuối, trước đây phần lớn người sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, cày, cấy, giặm, gặt lúa đều sử dụng bằng tay do đất trũng, không có xe cơ giới vào cày ải hay gặt lúa; không có hệ thống thủy lợi nội đồng, nên việc cấp và thoát nước gặp nhiều khó khăn, nhất là thời điểm gieo sạ vụ mới, nông dân trong ấp phải gieo sạ đi sạ lại từ 02 - 03 lần lúa mới nẩy mầm, nhưng không đồng đều, người dân tốn nhiều công lao động hoặc chi phí thuê nhân công giặm lúa. Bên cạnh đó, do mực nước đồng ruộng sâu, xuất hiện nhiều ốc bươu vàng gây hại lúa, nên năng suất đạt thấp, chất lượng lúa kém, giá bán bấp bênh.
Với mục tiêu giảm chi phí, giảm lượng giống gieo sạ, tăng năng suất và lợi nhuận, đồng thời giải cứu cây lúa không bị triều cường dâng cao vào mùa mưa, ông Dương Văn Cộng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Chòm Chuối “đến từng ngỏ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động người dân hiến đất xây dựng đê bao khép kín nhằm chủ động việc cấp, thoát nước để bảo đảm canh tác 03 vụ lúa cho người dân thuận lợi, tăng lợi nhuận. Trong khi đó, ông Cộng không có đất sản xuất lúa, mục tiêu của ông chủ yếu giúp nông dân từng bước cải thiện cuộc sống vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương của mình, góp phần cùng địa phương giữ vững ổn định diện tích lúa.
Năm 2011, do từng giữ vai trò Chi hội trưởng Hội Nông dân của ấp, nên ban đầu vận động, ông Cộng nhận được sự đồng tình của 03 nông dân trong ấp cùng tham gia. Sau khi hệ thống đê bao khép kín đưa vào vận hành, vụ lúa đầu tiên thử nghiệm mang lại hiệu quả, năng suất tăng gấp đôi, đạt 06 - 07 tấn/ha, ông Cộng cùng 03 hộ dân trên tiếp tục vận động người dân trong toàn khu vực tham gia và nhận được sự đồng tình hưởng ứng rất cao. Với thành tích đó, ông Cộng và tập thể Chi hội Nông dân ấp Chòm Chuối đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2011 - 2013.
Theo ông Cộng, đến nay, toàn ấp có 04 tổ đê bao khép kín với 83 thành viên tham gia hiến hơn 2.000m2 đất xây dựng đê bao khép kín nhằm đảm bảo 12,5ha lúa bên trong đê bao được canh tác thuận lợi 03 vụ/năm, góp phần thúc đẩy kinh tế, tăng thu nhập, giảm 03 hộ nghèo trong 04 tổ. Từ khi đê bao khép kín bảo vệ vùng sản xuất lúa ở Chòm Chuối được hình thành và hoạt động hiệu quả, góp phần tiết kiệm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất và lợi nhuận, Nhà nước hỗ trợ chi phí cho người dân trong ấp nạo vét hệ thống thủy lợi dọc tuyến đê bao nhằm khai thông nguồn nước (03 năm hỗ trợ 01 lần). Các thành viên trong tổ tham gia tích cực bảo vệ tuyến đê bằng hình thức góp tiền, góp sức để khai thông, mở rộng tuyến đê bao. Bên cạnh đó, vào mùa gặt lúa, thành viên trong tổ bán đồng cho những người nuôi vịt để gây quỹ thuê nhân công kiểm tra, ém mọi nhằm bảo vệ tuyến đê hoạt động hiệu quả suốt 03 vụ mùa. Đặc biệt, là vào mùa gieo sạ và gặt lúa đã được cơ giới hóa, nông dân hợp đồng bán đồng loạt nên giảm chi phí và tăng lợi nhuận gấp 02 lần so với trước. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín thuận lợi trong sản xuất, một số hộ dân trong ấp thuê thêm đất để canh tác lúa.
Nông dân Trần Văn Vui, ấp Chòm Chuối là một trong những nông dân tiên phong đầu tiên tham gia hiến đất xây dựng đê bao khép kín cho biết: những năm trước đây, gia đình thường gieo và cấy lúa bằng tay theo phương pháp truyền thống trên diện tích 1,5ha; lượng lúa giống khoảng 20kg/1.000m2. Trung bình mỗi vụ ông thuê 02 - 03 nhân công để gieo cấy, tỉa dặm với tiền công trên 100.000 đồng/ngày. Đến ngày thu hoạch, ông thuê nhân công gặt lúa theo hình thức thủ công truyền thống, trong quá trình thu hoạch, lúa bị ngập ướt, ông đem phơi khô sau đó mới bán cho thương lái, năng suất khoảng 02 - 03 tấn/ha, có vụ huề vốn, có vụ thua lỗ. Ưu điểm vượt trội của đê bao khép kín không chỉ góp phần tăng năng xuất và lợi nhuận, mà mỗi vụ lượng giống gieo sạ giảm 20 - 30%, tỷ lệ ốc bươu gây hại giảm (chỉ 01 lần phun thuốc bảo vệ thực vật trước khi gieo sạ là đủ); giảm 70 - 80% công tỉa giặm, không phải bón lót mà chỉ bón thúc 02 lần. Ngoài diện tích sản xuất của gia đình, ông Vui thuê thêm 02ha đất canh tác lúa nhằm nâng cao thu nhập, lợi nhuận từ 15 - 20 triệu đồng/ha/vụ. Không chỉ vậy, mà hệ thống đê bao khép kín giúp gia đình ông thuận lợi cấp và thoát nước trong nuôi cá lóc. Với diện tích 1.000m2, ông thả nuôi 70.000 - 80.000 con cá lóc giống, mỗi năm nếu thuận mùa, thuận giá thì lợi nhuận đạt trên 100 triệu đồng.
Để nhân rộng mô hình đê bao khép kín này, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, ngoài việc 03 năm thực hiện nạo vét 01 lần, hiện xã chọn ấp Chòm Chuối thực hiện mô hình điểm trồng lúa hữu cơ với diện tích 20ha hiện đang phát triển tốt. Đây là mô hình mới hướng mở để nâng cao sản phẩm lúa gạo hữu cơ vươn đến thị trường xa hơn.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Phát triển nuôi chuyên thủy sản nếu không được đầu tư khép kín và xử lý tốt môi trường; người nuôi sẽ gặp nhiều rủi ro do tình hình biến đổi khí hậu (BĐKH), ảnh hưởng về thời tiết, môi trường... Mô hình nuôi kết hợp rừng - thủy sản của nông dân xã Đông Hải, huyện Duyên Hải đang mở ra hướng đi hiệu quả về kinh tế lẫn bảo vệ môi trường.