05/05/2023 13:17
Dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) có một số điểm mới so với Luật Căn cước công dân (CCCD) năm 2014, cụ thể:
1. Mở rộng đối tượng áp dụng
Dự thảo Luật mở rộng đối tượng áp dụng so với Luật CCCD năm 2014. Theo đó, tại Chương I dự thảo Luật về quy định chung đã bổ sung một điều về người gốc Việt Nam là người không có quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (người gốc Việt Nam) để cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh cho đối tượng này.
Việc bổ sung nội dung cấp giấy chứng nhận căn cước và số định danh nhằm quản lý được toàn bộ công dân và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại địa phương; tạo thuận lợi trong công tác hoạch định chính sách phát triển xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
2. Sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật
Về giải thích từ ngữ, Điều 3 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, gồm: Cơ sở dữ liệu chuyên ngành; chủ thể danh tính điện tử; danh tính điện tử của cá nhân; hệ thống định danh và xác thực điện tử; tài khoản định danh điện tử.
3. Nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
Về các hành vi nghiêm cấm, cơ bản được giữ nguyên như quy định của Luật CCCD hiện hành; trong đó có chỉnh lý, bổ sung nội dung nghiêm cấm mua, bán, trao đổi, chia sẻ, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước cho phù hợp với định hướng quản lý CCCD tại dự thảo Luật.
4. Mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam
Về thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thu thập, cập nhật thông tin, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dự thảo Luật quy định theo hướng mở rộng, tích hợp thêm nhiều thông tin khác của công dân và người gốc Việt Nam trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD để trực tiếp phục vụ cho việc ứng dụng tiện ích của thẻ CCCD, tài khoản định danh điện tử, kết nối, chia sẻ, chứng thực dữ liệu công dân, phân tích, thiết lập bản đồ số dân cư.
Đồng thời, chỉnh lý mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để bảo đảm hiệu quả triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 (Đề án số 06/CP của Chính phủ).
5. Lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú
Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước công dân, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi thông tin số thẻ CCCD, quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ tại Luật CCCD hiện hành thành số định danh cá nhân, nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú và dòng chữ “Nơi cấp: Bộ Công an” để phù hợp với các nội dung khác được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật.
6. Bổ sung quy định về cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi
Về người được cấp thẻ CCCD, dự thảo Luật bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ CCCD cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ CCCD trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số. Tuy nhiên, việc cấp thẻ CCCD cho công dân dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc như quy định của Luật CCCD hiện hành.
7. Tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD đối với công dân dưới 14 tuổi, từ đủ 14 tuổi trở lên
Về trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD, đã sửa đổi bổ sung theo hướng quy định tách riêng trình tự, thủ tục cấp thẻ CCCD đối với công dân dưới 14 tuổi và công dân từ đủ 14 tuổi trở lên để phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật.
Theo đó, đối với công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi; đối với công dân là trẻ em dưới 06 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh thì thực hiện cấp thẻ CCCD đồng thời khi đăng ký khai sinh; nếu công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD theo quy định tại điểm a, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 24 cho trẻ em (trẻ em dưới 06 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học).
Trường hợp công dân là trẻ em đủ 06 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa trẻ em đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD.
8. Bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân
Về tích hợp thông tin vào thẻ CCCD, dự thảo luật bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ CCCD; thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD để giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính như: thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
9. Cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc
Về thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD cho công dân trong thời hạn 07 ngày làm việc.
10. Bổ sung quy định về CCCD điện tử
Về CCCD điện tử, đây là nội dung được bổ sung so với quy định của Luật CCCD hiện hành để quy định về CCCD; trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp tài khoản định danh điện tử; sử dụng CCCD điện tử để giải quyết, thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự trên môi trường điện tử, hướng tới thực hiện hiệu quả Đề án số 06/CP của Chính phủ.
11. Khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu
Về bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý CCCD, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; dự thảo Luật bổ sung thêm nội dung khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.
12. Đề xuất Chứng minh nhân dân sử dụng đến hết ngày 31/12/2024
Về điều khoản thi hành, dự thảo Luật đã bổ sung theo hướng khi Luật này có hiệu lực sẽ thay thế Luật CCCD hiện hành; đồng thời, thay thế cụm từ “kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử” tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 bằng cụm từ “kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử”.
Về quy định chuyển tiếp, dự thảo Luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn giữ nguyên hiệu lực pháp luật.
Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh nhân dân, thẻ CCCD trong các giấy tờ nêu trên.
Việc thay đổi mẫu thẻ CCCD (sau khi Luật có hiệu lực thi hành) không tác động đến những người đã được cấp thẻ CCCD hiện nay; những thẻ CCCD đã được cấp sẽ vẫn có giá trị đến hết thời hạn sử dụng được ghi trong thẻ (không tác động đến các thẻ CCCD đã cấp).
ĐẠT NHÂN
Tại khu vực vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre liên tiếp đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển và 01 một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.