11/06/2024 07:01
Cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội thực hiện các thủ tục cấp Căn cước công dân cho người dân.
- Những thông tin trên thẻ căn cước hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Tại Điều 18 của Luật Căn cước năm 2023 thì thẻ căn cước có thông tin được in trên thẻ và bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa. Cụ thể như:
+ Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm: Hình quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”; dòng chữ “CĂN CƯỚC”; ảnh khuôn mặt; số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quốc tịch; nơi cư trú; ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng và nơi cấp: Bộ Công an.
+ Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân, các thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18 Điều 9, khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 22 của Luật.
Đồng thời, Luật quy định quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước; việc mã hóa thông tin trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin.
Việc quy định thông tin trên thẻ căn cước như trên sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước.
- Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp.
+ Tại Điều 22 Luật Căn cước về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp thì thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
+ Các thông tin tích hợp vào thẻ căn cước là những thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân vào thẻ căn cước, gồm: Thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.
+ Luật Căn cước quy định việc tích hợp một số thông tin ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước vào thẻ căn cước là để cụ thể hoá nhiệm vụ tại Đề án số 06, nhằm phục vụ mục tiêu đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho công dân, hướng tới mục tiêu xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, công dân số.
+ Việc tích hợp các thông tin này thực hiện theo đề nghị của công dân hoặc cơ quan cấp, quản lý giấy tờ có thông tin được tích hợp.
+ Việc lưu hành, sử dụng các loại giấy tờ chứa thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước do công dân hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp các loại giấy tờ đó quyết định. Do vậy, việc thực hiện quy định này không gây khó khăn cho công dân và công tác quản lý ngành, lĩnh vực của các bộ, ngành khác, mà còn tạo nhiều thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính và giao dịch thương mại khác.
+ Những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp. Việc sử dụng thẻ căn cước gắn chíp đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân.
* Lợi ích khi tích hợp thông tin vào thẻ căn cước công dân
Luật Căn cước năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Theo đó, căn cước công dân được đổi thành thẻ căn cước.
Theo Luật Căn cước, thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng các thông tin cá nhân (các thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người) và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước. Những thông tin đã được tích hợp có những lợi ích sau:
Đối với cơ quan nhà nước: giảm chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức khi sử dụng thẻ căn cước công dân có gắn chíp đã được tích hợp các thông tin có liên quan đến lĩnh vực mình quản lý; không phải chi cho hoạt động in, sản xuất các giấy tờ cấp cho công dân (nếu công dân không có nhu cầu hoặc chỉ cần bản điện tử của giấy tờ đó).
Cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết thủ tục hành chính cho công dân sẽ cập nhật, bổ sung kết quả giải quyết vào cơ sở dữ liệu do mình quản lý và trả kết quả điện tử cho công dân.
Cơ quan quản lý căn cước công dân sẽ khai thác thông tin công dân trong các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tích hợp thông tin công dân có trên các cơ sở dữ liệu này vào thẻ căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan nhà nước hoặc đề nghị của công dân.
Do vậy, cơ quan, tổ chức không phải tốn nhiều thời gian để kiểm tra, xác minh thông tin, giấy tờ do công dân cung cấp khi giải quyết các thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ hành chính công; giảm nhân lực để giải quyết thủ tục hành chính và quản lý hệ thống hồ sơ giấy tờ của công dân; phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước.
Đối với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân: không tốn thời gian, công sức, chi phí để thực hiện việc trích lục, sao y, chứng thực, công chứng các loại giấy tờ của bản thân; giảm chi phí trong giải quyết thủ tục hành chính như bưu chính, kê khai nhiều loại giấy tờ khác nhau… không phải bảo quản, mang theo nhiều loại giấy tờ khác nhau khi cần sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự hay các hoạt động khác cần phải xuất trình giấy tờ cá nhân.
Như vậy, nếu công dân thông tin vào thẻ căn cước thì sẽ không tốn các khoản chi phí, như: chi phí để cấp đổi giấy phép lái xe là 135.000 đồng, chi phí để cấp đăng ký xe là 30.000 đồng, chi phí để sản xuất, cấp văn bằng, chứng chỉ trung bình từ 10.000 - 50.000 đồng/văn bằng, chứng chỉ; chi phí để in thẻ bảo hiểm y tế (2.000 đồng/thẻ); chi phí để sao y, chứng thực, công chứng từ 2.000 - 10.000 đồng/trang; chi phí để cài đặt, tích hợp, khai thác thông tin tích hợp trên căn cước công dân điện tử: công dân có thiết bị di động có thể tải, cài đặt ứng dụng (trên Appstore, CHplay và tích hợp thông tin mà không tốn chi phí); chi phí đầu tư thiết bị chuyên dụng để đọc thẻ căn cước công dân tại cơ quan nhà nước do các cơ quan đề xuất, tính toán theo nhu cầu và thực hiện mua sắm, trang bị theo quy định về pháp luật đầu tư công.
Trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không đầu tư mua thiết bị thì có thể lựa chọn các hình thức khác để khai thác thông tin của công dân (bao gồm cả thông tin tích hợp) qua kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khai thác qua cổng dịch vụ công. Đây là cách phổ biến, tiết kiệm, sẽ phát triển, mở rộng trong thời gian tới.
Tin, ảnh: XUÂN THẢO
Tại khu vực vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre liên tiếp đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển và 01 một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.