19/01/2021 16:31
Công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 02 huyện Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh giai đoạn 1, đoạn đi qua xã Đại Phúc, huyện Càng Long.
Ông Nguyễn Văn Đảm, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc cho biết: toàn ấp có 283 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề nông (làm vườn), trước đây giao thông ở địa phương còn khó khăn, người dân đi lại vận chuyển nông sản, hàng hóa bằng ghe, xuồng là chủ yếu. Từ khi tuyến đường mới mở này được triển khai thực hiện đã góp phần thay đổi cuộc sống của Nhân dân trong xã. Công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ vùng sản xuất cây ăn trái tập trung 02 huyện Càng Long, Châu Thành và thành phố Trà Vinh giai đoạn 1 (gọi tắt là đường vườn cây ăn trái) giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, buôn bán trao đổi nông sản dễ dàng hơn. Đặc biệt, đối với 17 hộ dân ấp Tân Hạnh chịu ảnh hưởng do tuyến đường đi qua không chỉ được Nhà nước bồi hoàn thiệt hại mà còn phát triển về kinh tế.
Đối với người dân sinh sống hai bên đường không giấu được niềm vui khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đúng vào dịp năm mới sắp đến. Ông Võ Văn Bé Sáu, ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc phấn khởi nói: gia đình tôi sinh sống ở đây đã nhiều năm, nên phần nào chứng kiến được sự khó khăn của người dân trong ấp khi không có đường đi. Nay được Nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường, chúng tôi rất vui, nhất là học sinh đi lại thuận lợi hơn. Trước đây, người dân xã Đại Phúc muốn đi thành phố Trà Vinh phải đi đường vòng qua xã Phương Thạnh (huyện Càng Long), qua xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành rồi mới tới thành phố Trà Vinh phải mất gần 60 phút hoặc phải đi đò qua ấp Phú Hòa, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh; còn muốn đi huyện Càng Long cũng vậy. Từ khi công trình hoàn thành và thông xe vào đầu tháng 9/2020 đã giúp Nhân dân địa phương rút ngắn thời gian và khoảng cách hơn 08km mỗi chuyến đi từ xã Đại Phúc đến thành phố Trà Vinh và ngược lại.
Từ khi mở tuyến đường mới, phương tiện qua lại nhiều hơn, gia đình ông Bé Sáu chuyển sang nghề buôn bán nên thu nhập cũng theo đó tăng lên. Ông Bé Sáu chia sẻ: “nếu như lúc trước gia đình tôi chỉ thu nhập từ 01 - 02 triệu đồng/tháng từ vườn dừa thì giờ đây ngoài nguồn thu nhập từ dừa, mỗi ngày gia đình tôi thu nhập từ 100.000 đồng trở lên nhờ quán nước giải khát và điểm tâm sáng. Có thể nói tuyến đường mới mở này đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình tôi và một số hộ dân trên địa bàn ấp”.
Em Lê Văn Triệu, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Văn Hai (huyện Càng Long) cho biết: “hiện nay tuyến đường đã cho thông xe, tuy vẫn còn bụi nhưng đã giúp em rút ngắn thời gian từ nhà tới trường và ngược lại. Nếu như trước đây, mỗi buổi đến trường em phải mất gần 60 phút do đi đường vòng qua xã Phương Thạnh thì giờ đây em chỉ mất 30 phút đi xe đạp để tới trường”.
Không chỉ người dân mà chính quyền các xã có tuyến đường đi qua cũng đều phấn khởi, vì đây là tuyến đường liên xã nối liền 03 xã của huyện Càng Long; là tuyến giao thông trọng yếu thúc đẩy kinh tế - xã hội của các địa phương phát triển. Tuyến đường được đầu tư tương đối đồng bộ, kết nối được nhiều ấp giữa các xã, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối giao thương phát triển kinh tế của địa phương, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản của người dân.
Bài, ảnh: KIM NGÂN
Tại khu vực vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre liên tiếp đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển và 01 một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.