01/12/2020 11:03
Hàng năm, khi bước vào mùa gió Chướng (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau) kết hợp với triều cường nên thường xảy ra sạt lở ven các tuyến sông lớn. Qua khảo sát của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh), những nơi sạt lở bờ sông, gồm Sông Hậu thuộc huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú và sông Cổ Chiên thuộc huyện Càng Long, thành phố Trà Vinh, Châu Thành và Cầu Ngang… Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh đã khẩn trương đề xuất và xây dựng các giải pháp để sớm khắc phục các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, nguy hiểm trong mùa triều cường năm 2020-2021.
Người dân gia cố bằng các vật liệu cừ dừa, cừ bê-tông… để giảm sạt lở tại khúc cua trên sông Hiệp Mỹ (ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang).
Ghi nhận tại điểm sạt lở ở khu vực ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Tây, huyện Cầu Ngang, theo ông Trần Văn Chí, Chủ tịch UBND xã Hiệp Mỹ Tây: do hiện nay tại khu vực cặp sông Hiệp Mỹ (phía giáp với Quốc lộ 53) do chưa có công trình phòng, chống thiên tai; nên mỗi khi vào các con nước cuối năm thường xảy ra sạt lở. Hiện chiều dài sạt lở khu vực này khoảng 300m, ăn sâu vào bờ 2,5m (thời gian 02 năm gần đây), gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 15 hộ dân. Hiện một số hộ tự gia cố bằng cọc bê tông hoặc cây dừa… để bảo vệ nhà và các công trình dân dụng.
Ông Lê Văn Khả, ấp Chợ, xã Hiệp Mỹ Tây cho biết: khu vực sạt lở trên đoạn sông này, gần 20 năm nay, gia đình tôi đã mất hơn 200m2 đất. Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Hiện gia đình phải xử lý phần cặp mé sông bằng cừ bê tông. Các hộ dân sinh sống ven sông Hiệp Mỹ mong Nhà nước sớm triển khai kè bê tông, như vậy mới đảm bảo việc phòng, chống sạt lở ngay tại khúc cua trên sông Hiệp Mỹ (giáp với Quốc lộ 53); nguyên nhân là do mỗi khi phía khu vực Mỹ Long Nam vận hành các cống đầu mối phục vụ nuôi thủy sản, một lượng lớn nước đổ dồn về đây, tạo nên dòng chảy mạnh.
Đối với khu vực ven tuyến Sông Hậu trên địa bàn huyện Cầu Kè, sạt lở ở mức nguy hiểm có 02 khu vực là tuyến bờ bao thuộc xã Ninh Thới (sạt lở cục bộ 11 vị trí) tổng chiều dài 375m, ăn sâu vào bờ từ 0,5-02m, mặt bờ bao hiện còn lại 0,5 -1,5m; có khả năng ảnh hưởng 697ha diện tích đất trồng cây ăn trái. Mặc dù những năm qua, xã đã vận động nhân dân tự gia cố (đóng cừ, đắp đất), tuy nhiên cũng chỉ chống chịu tạm vài con nước triều cường trong năm, phía ngoài không có đai rừng bảo vệ.
Cùng với đó là tuyến bờ bao ven sông Ô Chích (Ô Chích, xã Thông Hòa) sạt lở dài 38m, ăn sâu vào bờ 01-02m, sạt lở sâu, thẳng đứng, không đai rừng bảo vệ, nằm ngay ngã tư sông Ô Chích và sông Bông Bót, thường xuyên chịu tác động của dòng chảy xoáy, ảnh hưởng trực tiếp nhà của 01 hộ dân sinh sống cặp đê, nguy cơ sạt lở rất lớn, tuyến đê này bảo vệ 50ha diện tích đất vườn và 05 hộ dân. Ngoài ra còn có 03 điểm sạt lở bờ bao ở mức độ ít, như khu vực ấp An Bình, xã Hòa Tân; khu vực ấp Xẻo Cạn, xã Ninh Thới; khu vực ấp Dinh An, xã An Phú Tân.
Thông tin từ Chi cục Thủy lợi, qua khảo sát, hiện nay đối với các công trình sạt lở có mức độ nguy hiểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh kiến nghị UBND tỉnh đưa vào kế hoạch khắc phục từ nguồn Quỹ phòng, chống thiên tai của tỉnh, đồng thời kết hợp vận động nhân dân hiến đất và hỗ trợ đất đắp (đối với vị trí sạt lở bên trong có đất).
ác công trình như bờ bao ven Sông Hậu (khu vực xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè), dài 375m, ước kinh phí 02 tỷ đồng; bờ bao ven sông Cổ Chiên (khu vực xã Đức Mỹ, huyện Càng Long), dài 800m, ước kinh phí 02 tỷ đồng; bờ bao ven sông Ô Chích (khu vực ấp Ô Chích, xã Thông Hòa) dài 38m, ước kinh phí 0,2 tỷ đồng.
Trên địa bàn huyện Trà Cú có đê bao khu vực ấp Vàm, xã An Quãng Hữu, dài 300m, ước kinh phí 03 tỷ đồng; kênh Bắc Trang (khu vực ấp Tân An, xã An Quảng Hữu) dài 60m, ước kinh phí 0,5 tỷ đồng; bờ bao khu vực Vàm Trà Cú, Ấp Vàm (xã Lưu Nghiệp Anh), dài 250m, ước kinh phí 03 tỷ đồng; đê Nam Tổng Long (khu vực Ấp Chợ, xã Hàm Giang) dài 200m, ước kinh phí 03 tỷ đồng; đê bao Cà Săng (khu vực ấp Cà Săng xã Hàm Tân) dài 200m, ước kinh phí 2,5 tỷ đồng.
Thị xã Duyên Hải, cần khắc phục khẩn cấp các vị trí sụp lún mái kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh, ước kinh phí 0,5 tỷ đồng.
Huyện Châu Thành, kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên ven Đường huyện 05 (ấp Bãi Vàng, xã Hưng Mỹ) dài 200m, ước kinh phí 02 tỷ đồng; kè chống sạt lở bờ sông Cổ Chiên ấp Rạch Gốc, xã Long Hòa ước kinh phí 01 tỷ đồng…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Tại khu vực vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre liên tiếp đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển và 01 một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.