16/08/2023 08:11
Học viên được đào tạo nghề tại Cơ sở cai nghiện.
Ông Võ Đấu Hoa, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết, khi người nghiện vào cơ sở thì sẽ tổ chức tư vấn, trao đổi công việc để họ nắm được quá trình cai nghiện; cơ sở tổ chức các lớp học nghề để khi tái hòa nhập cộng đồng, họ có điều kiện phục vụ cho gia đình và xã hội. Thời gian qua, cơ sở cai nghiện tổ chức nhiều hoạt động để khuyến khích, tạo điều kiện cho người nghiện thực hiện tốt nội quy, quy chế ở cơ sở trong thời gian chấp hành quyết định của Tòa án. Bên cạnh đó, cơ sở cũng phối hợp với ngành chức năng tổ chức thăm hỏi, động viên tinh thần người cai nghiện nhân các dịp tết, lễ, động viên họ chấp hành tốt nội quy, quy chế.
Rất nhiều học viên tại Cơ sở đã nhiều năm sử dụng ma túy, thậm chí có nhiều trường hợp nhiều lần đến với Cơ sở để từ bỏ ma túy, thế nhưng với nhiều lý do như hoàn cảnh gia đình, ham chơi, bị bạn bè lôi kéo, rủ rê và “học đòi” nên đã tái nghiện. Biện minh rằng “chơi ma túy đá” sẽ không nghiện và chủ quan tin rằng, mình có thể làm chủ bản thân, muốn chơi hay không là do mình quyết định. Chính sự chủ quan và thiếu hiểu biết nên rất nhiều người sử dụng ma túy đã trượt dài trên con đường nghiện ngập và được đưa đi cai nghiện bắt buộc.
Tính từ đầu năm đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh đã tiếp nhận 77 học viên đến cai nghiện (trong này cai nghiện bắt buộc 55 người và cai nguyện tự nguyện 22 người), giải quyết tái hòa nhập cộng đồng 47 người. Hiện Cơ sở cai nghiện ma túy đang quản lý 180 người. Song song với công tác quản lý người cai nghiện, Cơ sở còn khảo sát và mở 02 lớp dạy nghề cho 49 học viên, gồm 01 lớp sửa chữa xe gắn máy và 01 lớp sửa chữa tủ lạnh, máy giặt. |
Ông Võ Đấu Hoa, Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Trà Vinh cho biết thêm: công tác đào tạo nghề cho người nghiện tại cơ sở được Ban Giám đốc rất quan tâm, bởi Ban Giám đốc xem đây là điều kiện để cho học viên có cái nghề tái hòa nhập cộng đồng để bản thân tiếp cận được công việc ở ngoài xã hội để nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình để tránh trường hợp tái nghiện.
Trong thời gian qua, Cơ sở đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện cũng như Trường Cao đẳng nghề của Trà Vinh tổ chức, đến thời điểm hiện nay cũng đang tổ chức 02 lớp dạy nghề, đa phần các em, người cai nghiện tại cơ sở cũng đã tham gia học rất là tốt, nếu công tác dạy nghề được thực hiện tốt thì công tác tiếp cận được nghề, khi tái hòa nhập cộng đồng, người cai nghiện sẽ dễ tiếp cận với cộng đồng, xã hội hơn.
Với mong muốn làm thế nào để học viên có môi trường cai nghiện, học tập, lao động và phòng, chống tái nghiện tốt nhất nên các hoạt động tư vấn, giáo dục hành vi nhân cách của Cơ sở cai nghiện ma túy đều hướng tới sự công bằng, dân chủ, minh bạch trong xử lý vấn đề và giải quyết các chế độ có liên quan đến học viên, nhằm đảm bảo các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của học viên trong quá trình thực hiện quy trình cai nghiện. Do đó, định kỳ hàng tháng Cơ sở cai nghiện ma túy tổ chức buổi đối thoại với học viên.
Thông qua buổi đối thoại, Ban Giám đốc và các đơn vị chức năng đã nắm bắt tình hình tư tưởng và giải quyết kịp thời những thắc mắc, nguyện vọng chính đáng có liên quan trong việc phấn đấu, rèn luyện, học tập, chấp hành nội quy, quy chế cơ sở, cũng như giải đáp các chế độ chính sách, quyền và nghĩa vụ của học viên, định hướng thay đổi hành vi nhân cách cho học viên theo hướng có lợi cho bản thân, giúp học viên an tâm tư tưởng, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, sớm tái hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện thành công.
Với phương châm đưa công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy về cơ sở, lấy quần chúng nhân dân làm nòng cốt phòng ngừa ngay từ cộng đồng, khu dân cư. Định kỳ hàng tháng, Công an xã chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức tiếp xúc, gặp gỡ đối tượng nghiện và người sau cai nghiện về địa phương để tuyên truyền, giáo dục người nghiện về hậu quả, tác hại của ma túy và các chính sách có liên quan đến việc cai nghiện ma túy; công tác đào tạo, dạy nghề, hỗ trợ vốn vay để người nghiện và người sau cai nghiện làm kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.
Có thể nói, việc tăng cường tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy và quản lý người nghiện tại cơ sở đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy tại địa bàn cơ sở.
Thượng tá Nguyễn Minh Hiệp, Phó Trưởng Công an huyện Càng Long cho biết: công tác quản lý người nghiện sau cai trên địa bàn huyện Càng Long thực hiện đạt hiệu quả rất cao, cụ thể số đối tượng sau cai nghiện thì đã từ bỏ, có công ăn việc làm, đã tạo được nguồn cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, số đối tượng sau cai thì tỷ lệ tái nghiện rất thấp. Để làm được việc này, phải phối hợp với gia đình, phải động viên cùng với các ban, ngành, đoàn thể cũng như Công an huyện, đặc biệt là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tạo được việc làm cho các đối tượng này có công ăn việc làm, chính từ việc có công ăn việc làm, các đối tượng này sẽ từ bỏ được ma túy.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý người nghiện tại cơ sở và người nghiện sau cai, lực lượng công an các cấp, trong đó Công an cấp xã tăng cường rà soát, thống kê, phân loại đối tượng nghiện ma túy, thực hiện áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn và lập hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, phối hợp tổ chức đưa người đã có quyết định của Tòa án vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đánh giá tỷ lệ tái nghiện hằng năm làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách về công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai;
Tổ chức đào tạo, dạy nghề cho người nghiện ma túy, mô hình hướng dẫn tìm việc làm, giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện, biểu dương, nêu gương những người đã thành công trong cai nghiện ma túy, những người có việc làm ổn định, có thu nhập cao. Thực hiện tốt công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện và công tác tái hòa nhập cộng đồng.
Tổ chức tuyên truyền các mô hình xã, phường, thị trấn làm tốt công tác cai nghiện; tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy, tác hại của các loại ma túy, nhắc nhở người dân quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy; tuyên truyền, vận động người nghiện ma túy tham gia các biện pháp, hình thức cai nghiện phù hợp. Huy động nguồn lực tại chỗ để hỗ trợ người cai nghiện, giúp đỡ người sau cai nghiện có việc làm, ổn định cuộc sống. Phát động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, cảm hóa, giáo dục, cải tạo người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng dân cư.
Tin tưởng rằng, với sự quyết tâm thực hiện của lực lượng công an cùng chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân, chúng ta sẽ tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới; đồng thời thông điệp ý nghĩa và nhân văn của Tháng hành động phòng, chống ma túy; ngày quốc tế, toàn dân phòng, chống ma túy năm 2023: “Phòng, chống ma túy quyết liệt, hiệu quả, nâng cao trách nhiệm, chủ động phối hợp - Vì một cộng đồng sạch ma túy”, sẽ lan tỏa rộng rãi đến với mỗi cơ quan, tổ chức và người dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.
Bài, ảnh: PHẠM HƠN
Tại khu vực vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre liên tiếp đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển và 01 một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.