18/08/2020 09:26
Các hộ kinh doanh hàng tự sản tự tiêu tận dụng vị trí gần đóng rác để bày bán hàng hóa nguy cơ tiềm ẩn các bệnh lây nhiễm.
Tại chợ Trà Vinh, nhất là tuyến đường dẫn dọc cặp sông Long Bình đi vào chợ Bạch Đằng, có hơn 100 hộ kinh doanh buôn bán. Các mặt hàng chủ yếu thực phẩm tươi sống, rau củ quả, trái cây,… do đặc thù về mặt hàng kinh doanh như hải sản tươi sống, thịt heo, thịt bò và các sản phẩm gia cầm nên nước thải, chất thải tràn ra hệ thống đường trong khu vực chợ thường xuyên. Đặc biệt, khu vực giết mổ gia cầm và khu vực bán hải sản tươi sống, nhất là vào thời điểm từ 16 giờ khu vực cặp bờ kè sông Long Bình, việc trao đổi mặt hàng hải sản tươi sống khá nhộn nhịp. Theo ghi nhận của chúng tôi, đây là khu vực trao đổi hàng hóa khá nhộn nhịp, các tiểu thương ở các huyện vận chuyển hàng hóa mua của các ngư dân sau khi khai thác đánh bắt về. Cùng với đó, sau giờ tan ca, hầu như cán bộ, công chức và người dân tập trung về nơi đây để chọn mua được những sản phẩm tươi, giá phải chăng và phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lập, một tiểu thương bán hàng hải sản ở chợ Trà Vinh cho biết: mặc dù mỗi ngày các nhân viên thu rom rác đến vệ sinh thu dọn ở từng khu vực trong chợ và vành đai xung quanh chợ, tạo môi trường thông thoáng thuận tiện cho tiểu thương buôn bán, nhưng do đặc thù mặt hàng buôn bán hải sản tươi sống nên nước thải thường bị ứ đọng ở khu vực bán khá phổ biến. Theo bà Lập, trước đây bà lãnh vé số đi bán, những năm gần đây do lớn tuổi không đủ sức khỏe, nên bà chuyển sang mua tôm, cá của những người dân ở xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành chày lưới, đánh bắt được đem ra chợ bày bán, thu nhập hơn 100.000 đồng/ngày.
"Gian hàng" bà Lập buôn bán hàng ngày.
Bên cạnh đó, chợ trung tâm thành phố Trà Vinh hiện đang trong thời gian thi công nâng cấp, cải tạo, khu vực bày bán gạo buộc di dời xuống cặp sông Long Bình, do đó diện tích kinh doanh của các tiểu thương bị thu hẹp, thêm vào đó, hiện nay đang vào mùa mưa tình trạng nước thải, nước mưa ứ đọng khu vực chợ diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, các tiểu thương tự túc lấy đá cấp phối hoặc cát san lấp rãnh nước thải gần khu vực quầy sạp bày bán của mình để tạo điều kiện cho người dân thuận tiện khi ra vào mua bán.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Trần Thị Thu Cúc, tiểu thương kinh doanh gạo ở chợ Trà Vinh bộc bạch: từ khi chợ thi công đến nay, không chỉ đường vào chợ bị thu hẹp, những ngày mưa đường dơ nên người dân ít vào bên trong khu vực chợ để mua sắm, việc kinh doanh giảm đáng kể, nhất là thời điểm hiện nay dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, người dân ý thức cao khi đến những chỗ đông người, việc kinh doanh khó khăn, bà chỉ bán những khách hàng mối quen.
Tiểu thương bất chấp bày bán hàng hóa cạnh rãnh nước thải cặp sông Long Bình khu vực chợ Trà Vinh nguy cơ tiềm ẩn vi - rút lây bệnh. |
Vì mặt hàng kinh doanh đặc thù và nắm bắt được tâm lý người tiêu dùng ngại đến những chỗ đông người hay khu vực có mùi tanh hôi nên một số tiểu thương đã tranh thủ đường dẫn vào chợ bày bán đa dạng hàng hóa để thu hút khách hàng. Đến chợ Phường 2, thành phố Trà Vinh chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh một vài tiểu thương bày bán rau củ quả, trái cây, hải sản gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm thu hẹp đường dẫn vào chợ, cản trở các phương tiện ra vào chợ.
Không chỉ vậy, vì muốn hàng hóa luôn xanh tươi, tiểu thương không ngừng phun tưới nước lên những thực phẩm kinh doanh của mình để tạo độ ẩm. Nguồn nước xả thải trực tiếp từ những thực phẩm này chạy xuống mặt đường đọng lại ở những khe rãnh không có lối thoát lâu ngày tạo thành “vũng đen ngòm”, bốc mùi hôi thối gây mất vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị.
Tiểu thương chiếm dụng đường dẫn vào chợ Phường 2 bày bán hàng hóa và xả nước trực tiếp lên mặt hàng rau củ qua và hải sản đọng vũng gây mất mỹ quan đô thị. |
Búc xúc về vấn đề này, bà Đặng Thị Kiên, tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây chợ Phường 2 cho biết: những năm gần đây trật tự mua bán tại chợ lộn xộn không theo thứ tự ngành hàng nên việc kinh doanh trở nên ế ẩm. Trong khi đó, một số tiểu thương không vào khu vực chợ bày bán, chọn ngay địa điểm mặt tiền của chợ để kinh doanh đủ thứ hàng hóa như trái cây, rau củ quả và mặt hàng thủy sản dọc hai bên đường dẫn vào chợ, do đó, khu vực bên trong chợ thường vắng khách mua sắm.
Đặc biệt thời điểm hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tái diễn phức tạp, sức bán giảm mạnh khoảng 50% so với năm trước, mặt khác hiện nay vào mùa mưa nên người dân ngại vào khu vực bên trong chợ mua sắm vì nước mưa và nước thải còn ứ đọng gây hôi thối và dơ bẩn. Bên cạnh đó, những ngày trời mưa, nước rác thải và rác thải ứ đọng khoảng 02 - 03 ngày mới có nhân viên vào xử lý, bốc mùi hôi thối.
Chính vì vậy, bà Kiên và các tiểu thương ở đây hy vọng Ban Quản lý chợ và các ngành liên quan tăng cường công tác vệ môi trường khu vực chợ; đồng thời bố trí sắp xếp ngành hàng hợp lý đảm bảo sự công bằng cho các tiểu thương, nhất là giải tỏa những hộ tiểu thương kinh doanh ngoài đường dẫn vào chợ.
Theo thông tin từ Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 116 chợ, trong đó có 83 xã đạt tiêu chí chợ trong XDNTM. Mặc dù các chợ trong tỉnh đều có hợp đồng thu gom rác thải với các doanh nghiệp, nhưng về xử lý nước thải ở khu vực kinh doanh mặt hàng rau củ quả, hải sản chưa có, người dân và tiểu thương bán hàng hầu như xả thải trực tiếp xuống mặt đường, cống… đây là nguy cơ lớn để một số loại vi-rút lây bệnh, nhất là thời điểm này nguy hại hơn trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong khi đó, tại các chợ khu vực giết mổ gia cầm, thủy, hải sản đều không có khu giết mổ riêng… hạn chế này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn có khả năng lây nhiễm các bệnh khác.
Thời điểm hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đang được các ngành các cấp quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ và quyết liệt. Theo khảo sát thực tế của chúng tôi, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường tại các chợ vẫn chưa được các hộ kinh doanh quan tâm. Để công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường tại các chợ ngày càng đạt hiệu quả, các ngành các cấp tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh và quan tâm vấn đề xử lý môi trường tại các chợ. Đặc biệt, tuyên truyền để các hộ kinh doanh tự giác hơn nữa trong vệ sinh, nhất là thực hiện vệ sinh sạch khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi hay không gian quanh khu vực bày bán của mình.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Tại khu vực vùng biển phía Nam, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 chủ trì phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh Bến Tre liên tiếp đã phát hiện, bắt giữ 02 vụ khai thác, vận chuyển cát trái phép trên biển và 01 một đối tượng đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.