27/04/2024 15:31
Đồng chí Đặng Quốc Khởi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy phát biểu mục đích, yêu cầu của Hội nghị giao ban công tác nội chính; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ I. Ảnh: BTV
Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC), lãng phí là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Trong đó có việc lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm toán. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp PCTN, TC, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát… chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác này.
Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp trong tỉnh đã tăng cường tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Qua đó, đã góp phần ngăn ngừa, hạn chế khuyết điểm, vi phạm, PCTN, TC. Thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, không để khuyết điểm, vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, vi phạm của cá nhân thành vi phạm tập thể. Có thể đơn cử tại Công an huyện Tiểu Cần. Qua công tác tự kiểm tra nội bộ, đơn vị này đã phát hiện việc sử dụng tài chính của đơn vị có dấu hiệu bất thường và báo cáo Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh tiến hành thanh tra. Kết quả thanh tra, phát hiện có dấu hiệu tội phạm “tham ô tài sản”, kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xác minh làm rõ hành vi phạm tội và đã xử lý theo quy định.
PCTN, TC, lãng phí; HĐND, UBMTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã thực hiện 69 cuộc giám sát chuyên đề về thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thu - chi ngân sách năm 2021 và các kiến nghị của thanh tra, kiểm toán nhà nước; việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19; việc sử dụng nguồn kinh phí phân bổ cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện nguồn vốn xử lý, cải thiện vệ sinh môi trường; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tình hình, hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 tại UBND huyện Càng Long, Châu Thành, Sở Kế hoạch và Đầu tư; công tác xét xử, giải quyết án tại Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân huyện Trà Cú; công tác thi hành án dân sự tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Trà Cú; công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh… Kết quả giám sát, kịp thời kiến nghị cơ quan, tổ chức khắc phục hạn chế, thiếu sót trong quá trình thực hiện đúng theo quy định, chưa phát hiện vi phạm.
Không thể phủ nhận rằng, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát góp phần quan trọng ngăn ngừa, hạn chế khuyết điểm, vi phạm; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thế nên, triển khai thực hiện Kế hoạch số 166 của Tỉnh ủy thực hiện Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là rất quan trọng. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã và đang tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa, tổ chức thực hiện nghiêm quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, quy định của pháp luật về hoạt động thanh tra, kiểm toán, PCTN, TC trong các mặt công tác này.
Các cơ quan thanh tra, ủy ban kiểm tra các cấp tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra cho cấp dưới; thường xuyên tự kiểm tra để phòng ngừa, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao, xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Lãnh đạo, chỉ đạo các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra thực hiện nghiêm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, nội quy, quy trình nghiệp vụ trong kiểm tra, giám sát và hoạt động thanh tra, bảo đảm các đoàn hoạt động hiệu lực, hiệu quả, công khai, minh bạch…
Triển khai thực hiện Quy định số 131 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; theo Kế hoạch số 166 của Tỉnh ủy cũng nhằm để tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức cho các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, ủy ban kiểm tra, thanh tra, cán bộ, đảng viên… về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong các mặt công tác này. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; PCTN, TC, lãng phí, “lợi ích nhóm”, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, tiếp tục xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.
Theo Điều 4 Quy định số 131-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị “về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”, những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác này gồm: Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm. Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức, cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng hoặc thanh tra, kiểm toán. Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra. Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác. Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra. Xác nhận, nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, bản chất vụ việc, vi phạm của đối tượng kiểm tra. Thỏa thuận, đặt điều kiện với đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định để làm thay đổi, sai lệch kết quả, kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm; không kiến nghị hoặc chỉ đạo, xử lý thu hồi vật chất, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với các vi phạm khi tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán. Chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích. Bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm. Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán vượt thẩm quyền; không đúng quy trình nghiệp vụ, phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian theo quy định. Cản trở, can thiệp trái quy định vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán. Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật nghề nghiệp, sách nhiễu, gây khó khăn, có thái độ áp đặt, thiếu tôn trọng, không đúng quy định của ngành, can thiệp trái quy định vào hoạt động của đối tượng kiểm tra. Không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định khi nhận được thông tin, đơn, thư phản ánh, tố cáo đối tượng kiểm tra. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc. Tác động đến người có thẩm quyền nhằm giúp cho đối tượng kiểm tra có được kết quả, quyền lợi không chính đáng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân. Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ đối tượng kiểm tra thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm. Không kịp thời thay đổi thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán khi có căn cứ xác định thành viên không vô tư, khách quan trong công tác; không kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đoàn. Không kịp thời kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đã được xác định là có cơ sở…
|
HÀ THANH
Bên cạnh đề cập những kinh nghiệm chống tham nhũng thành công ở một số quốc gia, tổ chức, cuốn sách cũng dành những bài viết về các vụ việc trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là bài viết về sự kiên định và ý chí sắt đá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đẩy lùi tham nhũng ở nước ta.