05/05/2023 10:16
Việc thực hiện kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị biết tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai, nhằm để công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người đó, đồng thời để phục vụ cho công tác cán bộ góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực. Người có nghĩa vụ kê khai tự kê khai các thông tin theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với nội dung kê khai.
Theo Điều 36, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định 03 phương thức và thời điểm kê khai tài sản, thu nhập là (1) kê khai lần đầu, (2) kê khai bổ sung, (3) kê khai hằng năm. Theo đó, mỗi hình thức kê khai áp dụng với đối tượng cán bộ, công chức cụ thể như:
Kê khai lần đầu được thực hiện đối với những trường hợp sau: (1) Người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019 (điểm a, khoản 1, Điều 36); (2) Người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật này. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày được tiếp nhận, tuyển dụng, bố trí vào vị trí công tác (điểm b, khoản 1, Điều 36).
Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai theo quy định tại Khoản 3, Điều 36.
Kê khai hằng năm được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (1) Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12; (2) Người không thuộc quy định tại điểm a khoản này làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12.
Riêng việc kê khai phục vụ công tác cán bộ được thực hiện đối với những trường hợp sau đây: (1) Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác; (2) Người có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 4, Điều 34 của Luật này. Thời điểm kê khai được thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.
Tại Điều 10, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, ngày 30/10/2020 của Chính phủ hướng dẫn cụ thể về người có nghĩa vụ kê khai 02 trường hợp theo quy định tại Điểm b, khoản 3, Điều 36 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm: (1) Các ngạch công chức và chức danh sau đây: (a) Chấp hành viên; (b) Điều tra viên; (c) Kế toán viên; (d) Kiểm lâm viên; (đ) Kiểm sát viên; (e) Kiểm soát viên ngân hàng; (g) Kiểm soát viên thị trường; (h) Kiểm toán viên; (i) Kiểm tra viên của Đảng; (k) Kiểm tra viên hải quan; (l) Kiểm tra viên thuế; (m) Thanh tra viên; (n) Thẩm phán; (2) Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; (3) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để thực hiện kế hoạch xác minh tài sản thu nhập, tại khoản 3, Điều 15, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP nêu rõ: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch xác minh được ban hành. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập tổ chức lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Việc lựa chọn được thực hiện công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập mời đại diện Ủy ban Kiểm tra Đảng và UBMTTQ Việt Nam cùng cấp dự và chứng kiến việc lựa chọn ngẫu nhiên người được xác minh. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hàng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị được xác minh, trong đó có ít nhất 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo quy định, có thể thấy, bất cứ cán bộ, công chức nào cũng có thể được chọn “ngẫu nhiên” để xác minh thu nhập, tài sản. Qua đó, bảo đảm ít nhất 10% cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai hàng năm phải được xác minh. Tuy nhiên, dù được quy định là xác định “ngẫu nhiên” nhưng phải bảo đảm ít nhất có 01 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Việc thực hiện đúng nội dung về phương thức, thời điểm kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và việc xác minh tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cũng đã góp phần không nhỏ vào việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
THÙY LÊ
Bên cạnh đề cập những kinh nghiệm chống tham nhũng thành công ở một số quốc gia, tổ chức, cuốn sách cũng dành những bài viết về các vụ việc trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là bài viết về sự kiên định và ý chí sắt đá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đẩy lùi tham nhũng ở nước ta.