26/10/2024 08:40
Đại biểu tham dự phiên họp lần thứ 10 - Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh.
Quan tâm đến công tác cán bộ và kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ, phát biểu tại phiên họp lần thứ 10 của Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh vào ngày 09/10/2024, đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh yêu cầu: phải tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện tốt việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước nói chung, trong đó có lĩnh vực PCTN,TC đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân, nhất là các quy định của Bộ Chính trị, của tỉnh về kiểm soát quyền lực PCTN,TC, về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới...
Đến nay, thực hiện Kế hoạch số 73/KH-UBND, ngày 16/7/2024 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quy định số 3547-QĐ/TU, ngày 20/11/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ; các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả; chú trọng quán triệt, làm rõ và nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chạy chức, chạy quyền, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Sở Nội vụ với phối hợp với Sở Tư pháp, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan đã và đang tiếp tục tham mưu hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ, đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đúng quy định về nội dung, thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền.
Một trong các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng góp phần PCTN, TC trong công tác cán bộ là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, hoàn thiện quy trình giải quyết công việc trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ có hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ). Rà soát đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương đáp ứng được các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, khả năng làm việc, đáp ứng các yêu cầu về năng lực, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm, phù hợp về độ tuổi, tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ, có tính đến kế thừa và chuyển tiếp trong từng giai đoạn cụ thể.
Cùng với đó, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên; chú trọng tạo lập môi trường làm việc dân chủ, cạnh tranh, bình đẳng, tạo điều kiện phát huy trí tuệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Đảm bảo theo Kế hoạch số 73/KH-UBND, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất theo chuyên đề, chuyên ngành của cấp trên đối với cấp dưới, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp quản lý… tiếp tục được đẩy mạnh.
Coi trọng cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm; thực hiện sàng lọc, thay thế những cán bộ uy tín thấp, không hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ. Đồng thời, xử lý nghiêm theo quy định đối với những tổ chức, cá nhân sai phạm, không có “vùng cấm”. Xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân và người đứng đầu trong việc vi phạm chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
Trước mắt, các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương giải quyết và sẽ tiếp tục tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác cán bộ; có biện pháp nhằm phát huy vai trò giám sát công tác cán bộ của Nhân dân; cơ chế bảo vệ và khen thưởng cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ.
Theo Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và PCTN, TC trong công tác cán bộ, quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: tuyển dụng, đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển, biệt phái; phong, thăng, giáng, tước quân hàm; cho thôi giữ chức vụ, thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, HĐND; tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ, cho từ chức, miễn nhiệm, cách chức; khen thưởng, kỷ luật; kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ và bảo vệ chính trị nội bộ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ và phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tổ chức có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ là cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quản lý, quyết định công tác cán bộ theo phân cấp và cơ quan tham mưu, chuyên môn giúp việc về công tác cán bộ. Cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ là người đứng đầu, các thành viên của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo ở địa phương, cơ quan, đơn vị được giao thẩm quyền; người đứng đầu cơ quan tham mưu; cán bộ tham mưu; cán bộ có liên quan trong công tác cán bộ. Cơ quan liên quan là cơ quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan tham mưu trong công tác cán bộ. Nhân sự là người được cấp có thẩm quyền xem xét, thực hiện quy định, quy trình, quy chế, quyết định về công tác cán bộ. Người có quan hệ gia đình là vợ (chồng); bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng hoặc bố, mẹ, người trực tiếp nuôi dưỡng vợ (chồng); con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; anh, chị, em ruột; anh, chị, em ruột của vợ (chồng) theo quy định của pháp luật.
|
Bài, ảnh: HÀ THANH
Bên cạnh đề cập những kinh nghiệm chống tham nhũng thành công ở một số quốc gia, tổ chức, cuốn sách cũng dành những bài viết về các vụ việc trong công cuộc phòng, chống tham nhũng của Việt Nam, đặc biệt là bài viết về sự kiên định và ý chí sắt đá của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc đẩy lùi tham nhũng ở nước ta.