04/10/2023 16:03
Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn. (Nguồn: asean.org)
Trật tự thế giới đang đối mặt với rủi ro phân mảnh, do vậy Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần đóng vai trò lớn hơn trong thiết lập trật tự thế giới dựa trên luật lệ, đó là nhận định của giới chuyên gia tại Hội nghị bàn tròn ASEAN lần thứ 38 diễn ra tại Singapore ngày 03/10.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, đây là hội nghị thường niên do Viện nghiên cứu ISEAS Yusof Ishak tổ chức, với sự tham dự của hơn 200 nhà ngoại giao, các chuyên gia nghiên cứu hàng đầu của quốc tế và khu vực, nhằm thảo luận về những biến chuyển trong môi trường địa chính trị khu vực, quốc tế, những tác động với trật tự thế giới hiện hành và với ASEAN, cũng như tìm kiếm những giải pháp cho ASEAN.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện ISEAS Yusof Ishak, cho biết hội nghị là diễn đàn thảo luận về vai trò của ASEAN trong việc định hình tương lai của Đông Nam Á và điều hướng trật tự toàn cầu có nguy cơ bị phân mảnh.
Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi, với các cường quốc triển khai các sáng kiến và cách tiếp cận của riêng họ đối với khu vực, như Sáng kiến An ninh toàn cầu của Trung Quốc hoặc các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương khác nhau, tất cả đều có tác động đến vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực.
Trong bài phát biểu dẫn đề, Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhấn mạnh thế giới đang bị phân mảnh và tất nhiên đây không phải là lần đầu tiên thế giới bị phân mảnh.
Theo ông, điều rõ ràng là vai trò của ASEAN ngày nay đã lớn hơn nhiều so với những ngày đầu thành lập. Trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay, ASEAN hơn bao giờ hết cần đoàn kết và khẳng định, duy trì được vai trò, tầm quan trọng của ASEAN trong định hình một trật tự thế giới giúp mang lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho khu vực.
Với chủ đề “ASEAN trong một trật tự thế giới phân mảnh,” Hội nghị bàn tròn ASEAN lần thứ 38 bao gồm các phiên thảo luận về các động lực của sự phân mảnh hiện nay, sự hội nhập kinh tế của khu vực, cách thức kiểm soát các điểm nóng của khu vực và ASEAN trong một thế giới đa cực. Hội nghị cũng đi sâu thảo luận về chính sách của Mỹ và Trung Quốc với khu vực, khuyến nghị cách tiếp cận và điều hướng của ASEAN, cũng như những điểm nóng tiềm tàng tại khu vực.
Giới chuyên gia đồng quan điểm cho rằng trật tự thế giới đang đối mặt với sự phân mảnh ngày càng lớn do chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc gia tăng và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Toàn cầu hóa với những thành tựu đạt được trong 3 thập kỷ qua hiện có nguy cơ bị mất bởi sự phân tách kinh tế, có thể cảm nhận được từ sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng hay các lệnh cấm xuất khẩu của nhiều quốc gia....
Đối mặt với các thách thức này, ASEAN đã và đang duy trì được vai trò trung tâm với tư cách là một diễn đàn chủ chốt cho đối thoại và hợp tác ở Đông Nam Á. Khu vực này ngày càng đóng vai trò quan trọng và sự can dự của các nước lớn đối với khu vực vì thế cũng gia tăng.
Theo vietnamplus.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.