11/10/2020 13:21
Bao gạo của Chương trình lương thực thế giới.
Dưới đây là 5 điều cần biết về tổ chức có trụ sở tại Rome theo Hãng tin AFP:
Khởi đầu
WFP được thành lập vào năm 1962 theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower như một thử nghiệm cung cấp viện trợ lương thực thông qua Liên Hiệp Quốc. Ra đời được vài tháng thì một trận động đất xảy ra ở miền bắc Iran khiến hơn 12.000 người chết. WFP đã gửi cho những người sống sót 1.500 tấn lúa mì, 270 tấn đường và 27 tấn chè.
Nhưng nơi khác cũng bắt đầu cần sự giúp đỡ của WFP: một cơn bão đổ bộ vào Thái Lan; những người tị nạn chiến tranh cần lương thực ở Nigeria… Năm 1963, dự án bữa ăn học đường đầu tiên của WFP ra đời. Năm 1965, tổ chức này trở thành một chương trình chính thức của Liên Hiệp Quốc.
Trong năm 2019, WFP hỗ trợ 97 triệu người ở 88 quốc gia. WFP cho biết ngày nào họ cũng có 5.600 xe tải, 30 tàu và gần 100 máy bay đang trên đường di chuyển và phân phối hơn 15 tỉ khẩu phần lương thực hằng năm.
Sứ mệnh
WFP tập trung vào hỗ trợ khẩn cấp cũng như hỗ trợ phục hồi và phát triển. Hai phần ba công việc của WFP diễn ra ở các nước bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi người dân có nguy cơ thiếu dinh dưỡng cao gấp 3 lần so với các nơi khác.
WFP hợp tác chặt chẽ với hai cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại Rome là Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) và Quỹ Quốc tế về phát triển nông nghiệp (IFAD).
FAO giúp các nước hoạch định chính sách và thay đổi luật pháp để hỗ trợ nông nghiệp bền vững. Trong khi IFAD tài trợ cho các dự án ở vùng quê nghèo. WFP được tài trợ hoàn toàn bởi các khoản đóng góp tự nguyện, hầu hết trong số đó là các chính phủ.
Tổ chức huy động được 8 tỉ USD vào năm 2019. Số tiền này dùng để cung cấp 4,2 triệu tấn lương thực và 2,1 tỉ USD tiền mặt. WFP có hơn 17.000 nhân viên. Khoảng 90% trong đó làm việc tại các quốc gia nơi tổ chức này cung cấp hỗ trợ.
Nơi hoạt động
Có một số nơi mà WFP chưa hỗ trợ. Ở miền tây khu vực Sahel (châu Phi) vào năm 1970 xảy ra hạn hán, WFP đã dùng "mọi thứ trong khả năng, từ ôtô đến lạc đà, từ đường bộ đến đường sông, để hỗ trợ người dân".
WFP đã cung cấp 2 triệu tấn lương thực trong nạn đói năm 1984 ở Ethiopia. WFP còn có mặt ở Sudan, Rwanda, Kosovo và châu Á sau trận sóng thần năm 2004, cũng như trận động đất năm 2010 ở Haiti.
Tại Cộng hòa dân chủ Congo - quốc gia đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nạn đói lớn thứ hai trên thế giới - WFP đã hỗ trợ 6,9 triệu người vào năm 2019, cũng như giúp chống lại dịch Ebola chết người.
WFP hỗ trợ 4,5 triệu người ở Syria bị ảnh hưởng bởi chiến tranh và 300.000 trẻ em suy dinh dưỡng trầm trọng ở Nigeria do xung đột.
Nạn đói ngày nay
WFP cảnh báo hơn 821 triệu người trên thế giới đang bị đói thường xuyên, 135 triệu người đối mặt với nạn đói trầm trọng và 130 triệu người sẽ bị đói vào cuối năm 2020 do đại dịch COVID-19.
WFP cũng lưu ý số người rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trên thế giới đã tăng gần 70% trong vòng 4 năm qua và suy thoái kinh tế do đại dịch sẽ gây ra "đại dịch đói".
Vai trò trong dịch COVID-19
Bên hậu cần của WFP đã sử dụng mạng lưới các trung tâm, đường hàng không chở khách, hàng hóa và các dịch vụ y tế để tạo điều kiện cho tuyến đầu chống dịch.
COVID-19 đang bùng phát nghiêm trọng ở Mỹ - Latin, khiến số người cần hỗ trợ lương thực tăng gấp 3 lần. Tình hình tương tự diễn ra ở châu Phi.
"Trước khi COVID-19 trở thành vấn đề lớn, tôi đã cảnh báo rằng năm 2020 sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II. Với COVID-19, chúng ta không chỉ đối mặt với đại dịch sức khỏe toàn cầu mà còn là thảm họa nhân đạo toàn cầu", giám đốc điều hành WFP David Beasley nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
(Nguồn TTO)
Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ bước đi này phản ánh quan điểm kiên định của EU rằng các biện pháp tạm thời của Trung Quốc đối với rượu mạnh nhập từ EU không phù hợp với các quy tắc của WTO.