14/04/2022 04:22
Theo thông tin được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố tại buổi họp báo do Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức sáng nay, 13/4, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý I/2022 của nước này đạt 9.420 tỷ nhân dân tệ (khoảng 148 tỷ USD), tăng trưởng 10,7% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 5.230 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 13,4%; nhập khẩu đạt 4.190 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 7,5%.
Trong các đối tác thương mại chính của Trung Quốc, ASEAN tiếp tục giữ vị trí là đối tác lớn nhất, với kim ngạch thương mại đạt 1.350 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 8,4% so cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 14,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này.
Các đối tác thương mại chính khác gồm có EU (1.310 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 10,2%), Mỹ (1.180 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 9,9%) và Hàn Quốc (574,18 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 12,3%).
Trong quý I, có 432.000 doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu ở Trung Quốc, trong đó, doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhất (4.520 tỷ nhân dân tệ, chiếm 48%), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (3.380 tỷ nhân dân tệ), doanh nghiệp nhà nước (1.500 tỷ nhân dân tệ).
Nhóm mặt hàng xuất khẩu chính của Trung Quốc là sản phẩm cơ khí, điện và điện tử (3.050 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 9,8%, chiếm 58,4% kim ngạch xuất khẩu), trong đó pin năng lượng mặt trời, pin lithium và ô-tô có mức tăng cao nhất, lần lượt là 100,8%, 53,7% và 83,4%. Trong khi đó, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu sản phẩm cơ khí, điện và điện tử (1.710 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 2,7%, chiếm 40,8% kim ngạch nhập khẩu) và các sản phẩm nông nghiệp (336,25 tỷ nhân dân tệ, tăng trưởng 4,1%).
Theo ông Lý Khôi Văn, Vụ trưởng Vụ Phân tích Tổng cục Hải Quan Trung Quốc, các hoạt động xuất nhập khẩu của nước này duy trì đà tăng trưởng ổn định, đã liên tiếp 7 quý đạt mức tăng trưởng dương. Trong đó, mức tăng của quý I năm nay đạt trên 10%, tạo nền tảng tích cực để thực hiện mục tiêu của cả năm.
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.