22/08/2023 10:05
Bộ trưởng Thương mại Indonesia kiêm Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN năm 2023 Zulkifli Hasan phát biểu khai mạc Hội nghị.
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 55 (AEM 55), ngày 21/8, Hội nghị Tham vấn AEM-Hoa Kỳ đã diễn ra tại thành phố Semarang (Indonesia), dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Thương mại nước chủ nhà Zulkifli Hasan và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai.
Hội nghị ghi nhận những đóng góp đáng kể của Hoa Kỳ đối với Khung Phục hồi Toàn diện ASEAN (ACRF) thông qua chương trình Kết nối Hoa Kỳ-ASEAN, nhất là trong việc tăng cường hệ thống y tế, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy hội nhập kinh tế, kinh tế kỹ thuật số và phục hồi bền vững.
Hội nghị hoan nghênh nỗ lực triển khai các hoạt động hợp tác cụ thể nhằm tăng cường Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Hoa Kỳ, thể hiện qua tiến độ triển khai Thỏa thuận Khung Thương mại và Đầu tư ASEAN-Hoa Kỳ (TIFA) năm 2022-2023 và Kế hoạch Công tác Mở rộng Cam kết Kinh tế (E3), nhất là trong các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số, thuận lợi hóa thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME).
Hai bên khẳng định các cam kết hợp tác mạnh mẽ thông qua TIFA ASEAN-Hoa Kỳ năm 2023-2024 và Kế hoạch Công tác E3, bao gồm các hoạt động liên quan đến kinh tế kỹ thuật số, phát triển MSME, tạo thuận lợi thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững, thực hành quản lý tốt, lao động, nông nghiệp… nhằm thúc đẩy phục hồi hậu đại dịch COVID-19.
Hai bên ghi nhận sự hợp tác tích cực giữa Hoa Kỳ và ASEAN về các tiêu chuẩn ưu tiên và đánh giá sự phù hợp trong các lĩnh vực như an ninh mạng, thiết bị y tế, dược phẩm, ôtô, xây dựng và vật liệu xây dựng, và các lĩnh vực mới được đề xuất liên quan đến phát triển bền vững.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai phát biểu tại Hội nghị.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của Hoa Kỳ thông qua việc gia hạn Hiệp định Hợp tác Phát triển Khu vực (RDCA), trong đó có chương trình hỗ trợ kỹ thuật “Tăng trưởng bao trùm trong ASEAN thông qua đổi mới, thương mại và thương mại điện tử (IGNITE)” tới quý 1 năm 2024, Hội nghị hoan nghênh việc tiếp tục chương trình này nhằm duy trì và tăng cường hợp tác, cũng như trao đổi các thông lệ tốt nhất giữa hai bên trong thời gian tới.
Hội nghị tái khẳng định sự ủng hộ đối với cấu trúc khu vực lấy ASEAN làm trung tâm, cởi mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, được xây dựng dựa trên các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm hỗ trợ Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của AOIP, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Các đại biểu cũng ghi nhận các khuyến nghị của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) nhằm củng cố thương mại nội khối ASEAN và đánh giá cao sự can dự tích cực của cơ quan này với các cơ quan chuyên ngành của ASEAN nhằm tăng cường quan hệ đối tác thương mại Hoa Kỳ-ASEAN.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy đối thoại giữa cộng đồng doanh nghiệp ASEAN-Hoa Kỳ nhằm giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của khu vực sang nền kinh tế bền vững và số hóa, đồng thời khuyến khích USABC phối hợp với các cơ quan chuyên ngành liên quan để thúc đẩy các hệ sinh thái kinh tế xanh và kỹ thuật số bao trùm.
Theo số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê ASEAN, năm 2022, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều giữa Hoa Kỳ và ASEAN đạt 420,4 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2021, trong khi vốn đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào ASEAN tăng 3,1% lên mức 36,5 tỷ USD, qua đó đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai và là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của ASEAN.
Theo vietnamplus.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.