20/11/2024 16:19
Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rio de Janeiro, Brazil.
Ngày 19/11, Tổng thống Brazil Lula da Silva tuyên bố nước này đã hoàn thành năm Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ XIX, đồng thời chuyển giao chức Chủ tịch luân phiên cho người đồng cấp Nam Phi, Cyril Ramaphosa.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, phát biểu trong phiên họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh G20 tại thành phố Rio de Janeiro, Tổng thống Lula da Silva khẳng định Brazil đã nỗ lực hoàn thành trọng trách Chủ tịch G20 với những kết quả cụ thể, trong đó có việc thành lập Liên minh toàn cầu chống đói nghèo và lần đầu tiên khởi xướng xem xét đánh thuế người siêu giàu.
Ông nhấn mạnh Brazil đã đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào chương trình nghị sự với cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và phê duyệt tài liệu đa phương đầu tiên về kinh tế sinh học.
Tổng thống Lula da Silva nhấn mạnh tại G20 lần này, Brazil đã kêu gọi hành động và đưa ra giải pháp cải cách giúp quản trị toàn cầu hiệu quả, mang tính đại diện hơn, đồng thời Brazil đã đưa ra một lộ trình để các ngân hàng phát triển đa phương trở thành các tổ chức lớn hơn và hoạt động hiệu quả hơn, cũng như hỗ trợ các nước châu Phi có tiếng nói trong các cuộc đàm phán về nợ.
Với đề xuất của Brazil, các nước G20 cũng đã phê duyệt chiến lược thúc đẩy hợp tác trong “Đổi mới mở” chống lại sự bất cân xứng trong sản xuất khoa học và công nghệ, cũng như thành lập Nhóm công tác về trao quyền cho phụ nữ và Nhóm làm việc về quản trị trí tuệ nhân tạo, Tổng thống Lula tuyên bố.
Brazil nhậm chức Chủ tịch G20 từ Ấn Độ vào cuối năm 2023. Trong chương trình nghị sự, Brazil ưu tiên hòa nhập xã hội và chống đói nghèo; chuyển đổi năng lượng và phát triển bền vững; cải cách các thể chế quản trị toàn cầu. Tất cả những ưu tiên này hướng đến mục tiêu mà Brazil đề ra là xây dựng một thế giới công bằng và một hành tinh phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu.
Năm 2025, Nam Phi sẽ đảm nhiệm chức Chủ tịch G20 lần thứ XX. Đây là lần đầu tiên một quốc gia châu Phi đảm đương nhiệm vụ này.
Phát biểu tại lễ bàn giao, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa khẳng định sẽ tận dụng cơ hội này để đưa các ưu tiên phát triển của châu Phi và Nam bán cầu vào chương trình nghị sự.
Nam Phi sẽ thúc đẩy ba ưu tiên trong nhiệm kỳ G20 năm 2025 bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện, công nghiệp hóa, việc làm và bất bình đẳng; an ninh lương thực; cùng với trí tuệ nhân tạo và đổi mới để phát triển bền vững.
Theo vietnamplus.vn
Thủ tướng Hun Manet cho biết cuộc cải tổ nội các lần này nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối ngoại của Campuchia, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.