22/12/2024 17:32
Theo xếp hạng của tạp chí The Economist, Tây Ban Nha đứng đầu bảng xếp hạng top 10 nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024.
Bảng xếp hạng của The Economist dựa trên đánh giá nền kinh tế của 37 quốc gia (hầu hết là nước giàu) thông qua 5 chỉ số kinh tế tài chính: tổng sản phẩm quốc nội (GDP), hiệu quả thị trường chứng khoán, lạm phát cơ bản, tỷ lệ thất nghiệp và thâm hụt ngân sách.
Theo The Economist, kinh tế thế giới năm 2024 đạt được những kết quả khích lệ bất chấp nhiều thách thức như lãi suất cao kỷ lục, xung đột ở châu Âu và Trung Đông và bầu cử ở nhiều quốc gia.
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP toàn cầu tăng 3,2%. Lạm phát trên đà giảm, tăng trưởng việc làm vững trong khi thị trường chứng khoán tăng hơn 20% trong năm thứ hai liên tiếp.
Tuy nhiên, bức tranh toàn cầu tươi sáng che giấu khoảng cách lớn giữa các quốc gia và The Economist đã phân tích số liệu của 5 chỉ số trên để đánh giá khoảng cách này và tìm ra các nền kinh tế hoạt động tốt nhất trong năm 2024.
Kết quả đánh giá cho thấy Địa Trung Hải tiếp tục thành tích ấn tượng trong năm thứ ba liên tiếp, với Tây Ban Nha đứng đầu danh sách năm nay.
Đứng thứ hai là Ireland, quốc gia thu hút các công ty công nghệ, theo sau là Đan Mạch, quê hương của công ty dược Novo Nordisk nổi tiếng với thuốc trị tiểu đường Ozempic.
Hy Lạp và Italy, từng là biểu tượng khủng hoảng của khu vực đồng euro, đứng vị trí thứ 4 và 5 trong khi các cường quốc Bắc Âu gây thất vọng. Anh và Đức với thành tích kém cỏi và Latvia và Estonia lặp lại vị trí cuối bảng mà hai quốc gia Baltic này giữ vào năm 2022.
Chỉ số đánh giá đầu tiên, GDP thực, được cho là thước đo tin cậy nhất về sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. Năm nay, GDP toàn cầu được thúc đẩy bởi kinh tế Mỹ với chi tiêu tiêu dùng rộng rãi.
Theo số liệu của OECD, Israel nổi lên với thành tích ấn tượng mặc dù tăng trưởng mạnh phần lớn phản ánh phục hồi sau suy giảm mạnh vào quý 4/2023 khi xung đột của nước này với lực lượng Hamas bắt đầu.
Tại Tây Ban Nha, tăng trưởng GDP hàng năm đang trên đà vượt 3%, được thúc đẩy bởi thị trường lao động mạnh mẽ và nhập cư cao, giúp nâng cao sản lượng kinh tế.
Ở các quốc gia khác, tăng trưởng không mấy ấn tượng. Đức và Italy chịu tác động của giá năng lượng cao và sản xuất đình trệ. Nhật Bản được cho là sẽ đạt mức tăng trưởng 0,2%, song đã chịu ảnh hưởng của du lịch yếu và ngành ôtô gặp khó khăn. Hungary và Latvia đều rơi vào suy thoái.
Chỉ số thứ hai là lợi nhuận thị trường chứng khoán. Cổ phiếu Mỹ đạt mức lợi nhuận ấn tượng 24% khi định giá các công ty công nghệ, vốn đã cao, tiếp tục tăng.
Thị trường Canada, có mối liên hệ chặt chẽ với quốc gia láng giềng phía nam, cũng ghi nhận mức tăng trưởng lành mạnh, được hỗ trợ bởi mức tăng mạnh trong ngành năng lượng và ngân hàng. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục, mặc dù hiệu suất chung của thị trường nước này chỉ ở mức trung bình.
Một số nước thua lỗ: giá cổ phiếu ở Phần Lan ở mức âm theo giá trị thực tế, và thị trường chứng khoán Hàn Quốc lao dốc sau lệnh thiết quân luật của Tổng thống nước này vào ngày 3/12.
Chỉ số tiếp theo là lạm phát cơ bản (không gồm các mặt hàng dễ biến động về giá như năng lượng và thực phẩm). Mặc dù lạm phát toàn cầu đã giảm đáng kể, giá dịch vụ vẫn ở mức cao ở nhiều quốc gia.
Người dân mua sắm tại siêu thị ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tại Anh, tăng trưởng tiền lương tiếp tục đẩy cao giá dịch vụ, đồng nghĩa lạm phát cơ bản tăng cao. Tại Australia, giá nhà tăng cao là một phần nguyên nhân. Lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ở mức cao trong khi Pháp và Thụy Sĩ đã kiểm soát được áp lực giá.
Tiếp đến là tỷ lệ thất nghiệp, thước đo kinh điển của nền kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp tăng đã được dự đoán khi các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất (và trí tuệ nhân tạo trở nên tinh vi hơn).
Tuy nhiên, thị trường lao động vẫn phát triển mạnh với tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp kỷ lục. Nam Âu, nơi vẫn chịu tình trạng thất nghiệp cao, ghi nhận cải thiện đáng kể: thất nghiệp ở Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Italy đạt nhiều tiến bộ nhất, với thất nghiệp giảm 1,4% từ đầu năm. Mỹ và Canada ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ, phần lớn do nhập cư cao và người lao động trở lại làm việc.
Chỉ số đánh giá cuối cùng là cán cân tài chính, không bao gồm các khoản thanh toán lãi suất được tính vào GDP. Đan Mạch và Bồ Đào Nha nổi bật vì đạt được thặng dư ngân sách hiếm hoi nhờ kỷ luật tài chính. Na Uy và Ireland cũng tự hào về thành tích thặng dư, mặc dù vì những lý do khác: Na Uy nhờ doanh thu từ dầu mỏ và Ireland nhờ thuế lợi tức phụ thu doanh nghiệp (windfall tax) cùng với khoản truy thu thuế hàng tỷ USD từ gã khổng lồ công nghệ Apple.
Tuy nhiên, hầu hết các chính phủ vẫn tiếp tục chi tiêu vô tội vạ. Thâm hụt ngân sách của Ba Lan vượt 3% GDP do chi tiêu quốc phòng tăng nhằm ứng phó với cuộc xung đột ở Ukraine.
Tại Nhật Bản, gói kích thích tài chính lớn nhằm hỗ trợ nền kinh tế và giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề nợ khi kỷ nguyên lãi suất cực thấp sắp kết thúc.
Quỹ đạo nợ của Anh đang xấu đi khi kế hoạch ngân sách mới nhất của nước này không thể phục hồi tài chính công. Pháp đang sa lầy trong khủng hoảng chính trị và không có khả năng kiểm soát chi tiêu.
Đánh giá về thành tích đứng đầu bảng xếp hạng của Tây Ban Nha, The Economist chỉ ra những thay đổi của đất nước từng được coi là ví dụ điển hình cho thất bại về kinh tế một thập kỷ trước.
Chính phủ và các ngân hàng mắc kẹt trong vòng xoáy tử thần và phụ thuộc vào các khoản cứu trợ. Những người trẻ tuổi rời đất nước hoặc biểu tình vì thiếu cơ hội. Di tích của bong bóng xây dựng là những ngôi nhà xây dựng dang dở và các sân bay bỏ hoang.
Giờ đây, Tây Ban Nha trở thành nền kinh tế hoạt động tốt nhất thế giới năm 2024 với tăng trưởng nói chung và tỷ lệ việc làm cao hơn Mỹ. Nền kinh tế nước này đang gặt hái thành quả từ những cải cách trong quá khứ, mang lại những bài học cho phần còn lại của châu lục.
Bài học đầu tiên là tập trung vào dịch vụ và không tôn sùng sản xuất. Mặc dù không giảm nhanh như Đức, một phần nhờ chi phí năng lượng thấp hơn, sản xuất công nghiệp ở Tây Ban Nha vẫn trì trệ.
Tuy nhiên, du lịch đã phục hồi sau mức thấp thời kỳ đại dịch và Tây Ban Nha đang tăng chuỗi giá trị với việc tăng xuất khẩu các dịch vụ tư vấn và bí quyết công nghệ. Các dịch vụ ngoài ngành du lịch cũng tăng từ khoảng 5,5% GDP trước đại dịch lên 7-8% hiện nay, theo ngân hàng BBVA.
Bài học khác là sự cởi mở. Trong khi những người trẻ tuổi từng rời Tây Ban Nha để tìm kiếm cơ hội, đất nước giờ đây đang thu hút lao động nước ngoài.
Từ năm 2019, lực lượng lao động sinh ra ở nước ngoài, chủ yếu là từ Mỹ Latinh, tăng khoảng 1,2 triệu người ở Tây Ban Nha.
Nhiều người di cư làm những công việc lương thấp, kỹ năng thấp, đồng nghĩa mặc dù nền kinh tế tăng 7% so với năm 2019, nhưng chỉ tăng 3% sau khi điều chỉnh theo mức tăng dân số.
Tuy nhiên, thành tích này vẫn tốt hơn so với Anh và Canada, các quốc gia ghi nhận mức tăng nhập cư tương đương, nhưng GDP bình quân đầu người giảm. Tây Ban Nha cũng chào đón đầu tư từ các công ty Trung Quốc.
Ngày 10/12, hãng ôtô Stellantis, và nhà sản xuất pin CATL (Trung Quốc) công bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất pin mới tại Zaragoza, trong khi nhà sản xuất ôtô Chery International (Trung Quốc) chọn Barcelona làm địa điểm cho nhà máy sản xuất đầu tiên tại châu Âu.
Quan trọng nhất, các cải cách cơ cấu của Tây Ban Nha đã mang đến phần thưởng dài hạn.
Phần lớn thành công gần đây của nước này phản ánh những quyết định sau cuộc khủng hoảng tài chính nhằm cải cách các ngân hàng và thị trường lao động.
Ngành tài chính được củng cố trong khi những cải cách thị trường lao động tạo thuận lợi cho việc đàm phán lại hợp đồng và khuyến khích các nhà tuyển dụng tuyển thêm nhân viên dài hạn.
Gói biện pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo, gồm việc bãi bỏ thuế năng lượng Mặt Trời giúp ngành năng lượng xanh bùng nổ.
Người dân tham gia tuần hành phản đối làn sóng di cư, tại Las Palmas, quần đảo Canary, Tây Ban Nha, ngày 06/7/2024. (Ảnh: Getty Images/ TTXVN)
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức. Du lịch và nhập cư đang đẩy giá nhà lên cao ở Tây Ban Nha. Đầu tư và tăng trưởng năng suất vẫn còn là vấn đề cần giải quyết.
Chính phủ không thể thông qua các cải cách tiếp theo cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, gồm giáo dục và dịch vụ, trong khi đang áp dụng những quy định rườm rà, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao.
Đón năm 2025, nền kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức mới. Gần nửa dân số thế giới sống ở các quốc gia đã tổ chức bầu cử trong năm nay, với nhiều quốc gia đã bầu những nhà lãnh đạo được coi là "khó đoán." Thương mại đối mặt nguy cơ, nợ chính phủ tăng và thị trường chứng khoán không cho phép sai sót.
Mặc dù vậy, ít nhất là thời điểm hiện tại, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Italy xứng đáng ăn mừng sự phục hồi kinh tế của đất nước và là bài học cho phần còn lại của châu lục.
Theo vietnamplus.vn
Người phát ngôn của EC nêu rõ cơ sở hạ tầng khí đốt của châu Âu đủ linh hoạt để cung cấp khí đốt không có nguồn gốc từ Nga cho các nước Trung và Đông Âu thông qua các tuyến đường thay thế.