10/05/2022 19:17
Đây là một trong những sự kiện có quy mô lớn được tổ chức theo hình thức trực tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Campuchia sau hơn 02 năm bị trì hoãn do tác động của đại dịch Covid-19. Hội thảo chuyên đề này cũng là hoạt động hướng tới kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Campuchia (24/6/1967 - 24/6/2022).
Hội thảo Cơ hội hợp tác và kết nối doanh nghiệp logistics Việt Nam - Campuchia.
Đại sứ Nguyễn Huy Tăng đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo trong bối cảnh 02 nước đang đẩy mạnh triển khai các hoạt động phục hồi kinh tế trong và sau dịch Covid-19, trong đó việc bảo đảm ổn định chuỗi cung ứng, logistics hết sức được coi trọng.
Theo Đại sứ, dù chịu tác động nặng nề của đại dịch, nhưng thời gian qua, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Campuchia vẫn phát triển mạnh mẽ và đạt kết quả ấn tượng. Hàng chục nghìn tấn hàng hóa được vận chuyển qua các cửa khẩu biên giới 02 nước mỗi ngày.
”Kết quả này có được là do những quyết sách hiệu quả của Chính phủ 02 nước theo phương châm “Chống dịch nhưng phải bảo đảm thông thương hàng hóa và chuỗi cung ứng”, cũng như nỗ lực của doanh nghiệp 02 nước, đặc biệt là doanh nghiệp logistics trong lưu trữ, bảo quản, vận chuyển hàng hóa và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng”, Đại sứ Nguyễn Huy Tăng nhấn mạnh.
Theo thống kê, giai đoạn 2016 - 2020, thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia đạt mức tăng trưởng trung bình 17%/năm, tăng từ 2,92 tỷ USD năm 2015 lên 5,32 tỷ USD năm 2020. Năm 2021 vừa qua, kim ngạch thương mại giữa 2 bên đạt 9,54 tỷ USD, tăng 78,9% so với năm 2020.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia chủ yếu là sắt thép các loại, sản phẩm hóa chất, sản phẩm nhựa, máy móc và thiết bị điện, thực phẩm chế biến, bánh kẹo và sản phẩm ngũ cốc. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu các mặt hàng cao su, hạt điều và nhiều loại nông sản khác từ nước bạn Campuchia.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới dài hơn 1.130km, với nhiều cửa khẩu thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đặt nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác với Campuchia trên lĩnh vực này.
Trong đó, chú trọng tăng cường hợp tác với các đối tác Campuchia, mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh. Đầu tư mở rộng hạ tầng logistics kết nối các cảng của Việt Nam với Campuchia; đẩy mạnh hợp tác đầu tư, khai thác, sử dụng các trung tâm logistics ở Campuchia.
Việt Nam chủ động phối hợp với Campuchia rà soát, hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi hóa cho hàng hóa hai nước Việt Nam và Campuchia. Thúc đẩy giao thương, xúc tiến thương mại, nâng cao lưu lượng hàng hóa từ Campuchia vận chuyển qua Việt Nam và ngược lại; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế, liên kết giữa Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và Campuchia.
Tại hội thảo, đại diện các bộ ngành và doanh nghiệp logistics của 02 nước đã cùng nhau trao đổi, đánh giá hiện trạng, các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hải quan; đề nghị Chính phủ 02 nước đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới; khảo sát, sửa chữa, xây dựng đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc vận tải và lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu biên giới 2 nước.
Về vấn đề cải thiện hạ tầng, đặc biệt là tuyến đường chính từ cửa khẩu Bavet (tỉnh Svay Rieng) đi thủ đô Phnom Penh, Tổng cục trưởng Tổng cục Logistics, Bộ Giao thông Công chính Campuchia, ông Chhieng Pich, đã thông tin chi tiết về việc khảo sát xây dựng đường cao tốc Bavet-Phnom Penh.
“Đây là tuyến hành lang kinh tế quan trọng thứ hai của Campuchia (sau tuyến Preah Sihanouk-Phnom Penh sắp khánh thành). Ngoài đường cao tốc, Campuchia cũng đang nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt Phnom Penh-Bavet để kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, nhằm giảm thiểu chi phí vận tải hàng hóa”, ông Chhieng Pich cho biết.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.