18/09/2022 06:18
Trưởng phái đoàn Việt Nam phát biểu tại một phiên họp của Ðại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh BỘ NGOẠI GIAO)
Những chặng đường tái thiết đất nước, cũng như đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam luôn có sự đồng hành của Liên hợp quốc. Hợp tác giữa hai bên trong gần nửa thế kỷ qua hỗ trợ Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước.
Sự hỗ trợ thiết thực của Liên hợp quốc về tài chính, kỹ thuật, tư vấn chính sách... là một trong những nguồn lực quan trọng, giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, cũng như các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG) của Liên hợp quốc. Tham gia, đóng góp tại Liên hợp quốc cũng tạo thuận lợi để Việt Nam làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các đối tác, đồng thời thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, góp phần tăng cường vai trò, vị thế trên trường quốc tế.
Việc thúc đẩy quan hệ với Liên hợp quốc được xác định là một trong những trọng tâm trong đối ngoại đa phương của Việt Nam qua các thời kỳ. Từ một nước nhận viện trợ đơn thuần, Việt Nam trở thành đối tác phát triển, gánh vác nhiều trọng trách quan trọng, có nhiều đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với những hoạt động của Liên hợp quốc, trong các trụ cột hòa bình-an ninh, phát triển và bảo vệ quyền con người, cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (A.Gu-tê-rét) từng nhận định, Việt Nam là nhân tố quan trọng đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực.
Việt Nam đã ghi đậm nhiều dấu ấn trong nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm duy trì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thông qua hai lần đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc các nhiệm kỳ 2008 - 2009 và 2020 - 2021. Trên cương vị này, Việt Nam chủ trì, thúc đẩy thông qua nhiều sáng kiến, văn kiện tại Hội đồng Bảo an, qua đó khẳng định năng lực điều hành, vai trò nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải. Từ năm 2014, Việt Nam bắt đầu cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ðến nay, gần 500 lượt sĩ quan quân đội của Việt Nam đã được cử làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và Cục gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc.
Việt Nam chủ động đóng góp xây dựng các hình thức hợp tác và tham gia vào các tổ chức phát triển của Liên hợp quốc. Việt Nam là thành viên của Hội đồng Chấp hành Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) nhiệm kỳ 2000 - 2002, Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018... Về bảo vệ quyền con người, Việt Nam đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2014 - 2016 và tiếp tục vận động ứng cử làm thành viên UNHRC nhiệm kỳ 2023 - 2025. Tháng 06 vừa qua, Việt Nam được Ðại hội đồng Liên hợp quốc bầu làm Phó Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 và đang bắt đầu đảm nhiệm vai trò này. Với nhiều trọng trách từng hoàn thành, cũng như đang đảm nhiệm, Việt Nam ngày càng nhận được sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế.
Theo Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis (P.Ta-me-xít), cả ở tầm khu vực và toàn cầu, Việt Nam đang nổi lên là điển hình về sự năng động, tích cực đóng góp cho cộng đồng quốc tế; trở thành hình mẫu về hợp tác giữa Liên hợp quốc và một quốc gia đang phát triển. Cộng đồng quốc tế cũng đánh giá cao Việt Nam trong việc thực hiện các MDG, các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong Chương trình nghị sự năm 2030 của Liên hợp quốc, cũng như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và ứng phó đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết về việc đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; tham gia các tuyên bố, cam kết quốc tế về giảm phát thải khí methane, về chuyển đổi năng lượng… Trong ứng phó dịch bệnh, Việt Nam đã đóng góp 50.000 USD vào Quỹ ứng phó Covid-19 của Liên hợp quốc. Theo đề xuất của Việt Nam, Ðại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết chọn ngày 27/12 là Ngày Quốc tế phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc và được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc.
Trong bối cảnh thế giới đối mặt nhiều thách thức, cộng đồng quốc tế cần đoàn kết và có cách tiếp cận chung trong các vấn đề toàn cầu. Thực hiện đường lối đối ngoại của Ðại hội XIII của Ðảng, Việt Nam tiếp tục chủ động tham gia và phát huy vai trò tại Liên hợp quốc, sát cánh cùng các thành viên nỗ lực vượt qua thách thức, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực và trên thế giới.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.