06/11/2023 16:32
Chủ tịch ECB Christine Lagarde.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Kathimerini của Hy Lạp được đăng trên trang web của ECB ngày 04/11, bà Christine Lagarde nhấn mạnh: “Chúng tôi quyết tâm đưa tỷ lệ lạm phát xuống dưới 2%. Theo dự báo hiện nay, chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2025”.
Bà Christine Lagarde chia sẻ, bà không thấy lo lắng rằng những nỗ lực của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị.
Chủ tịch ECB khẳng định, “nhiệm vụ của ECB là đảm bảo ổn định giá cả, và đó là cách đóng góp tốt nhất cho hòa bình và ổn định xã hội, đặc biệt là đối với các thành viên dễ bị tổn thương nhất”.
Ngày 26/10 vừa qua, ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất sau chuỗi kỷ lục 10 lần tăng liên tiếp để kiểm soát lạm phát. Việc ECB dừng tăng lãi suất không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích vì lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) hiện đã giảm hơn một nửa so với mức đỉnh và nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu suy yếu.
Lạm phát của Eurozone đã giảm từ mức 4,3% của tháng 9 xuống 2,9% trong tháng 10 vừa qua, thấp hơn so với mức dự báo là hơn 3%. Tỷ lệ lạm phát tháng 10 giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và giảm so với mức đỉnh điểm 10,6% của tháng 10/2022 sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đẩy giá năng lượng tăng cao.
Trước đó, trong cuộc họp báo sau cuộc họp ngày 26/10 của ECB, Chủ tịch ECB cho biết, bà không loại trừ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa, đồng thời cho biết, hiện còn quá sớm để bàn việc cắt giảm lãi suất.
Cũng trong bài phát biểu ngày 02/11, bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng điều hành ECB tiếp tục đề cập đến việc cần thêm một lần tăng lãi suất như một phần của nỗ lực kiểm soát lạm phát của ECB.
Bà Schnabel cho rằng, các cú sốc phía nguồn cung có thể khiến các dự báo lạm phát không chắc chắn, sau giai đoạn dài ở mức cao. Điều này có nghĩa ECB có thể vẫn tăng lãi suất.
Theo bà Schnabel, mất một năm để giảm lạm phát từ mức đỉnh 10,6%, nhưng sẽ cần gấp đôi thời gian này để đạt mục tiêu 02%.
Theo dangcongsan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.