30/04/2024 06:40
Toàn cảnh nhà máy điện than RWE ở Niederaussem, miền Tây Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh các chuyên gia hối thúc các nước công nghiệp hóa tận dụng tầm ảnh hưởng chính trị, sự giàu có và công nghệ của họ để chấm dứt việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Cuộc họp của các bộ trưởng G7 tại Turin là phiên họp chính trị lớn đầu tiên kể từ khi thế giới cam kết bắt đầu giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) được tổ chức ở Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) hồi năm ngoái. Sự kiện cũng diễn ra trong bối cảnh báo cáo mới của một viện khí hậu toàn cầu cho thấy G7 đang không đạt được mục tiêu đề ra.
Italy, nước giữ chức chủ tịch luân phiên G7, đã bày tỏ mong muốn cuộc họp tại Turin trở thành "mắt xích chiến lược" giữa COP28 ở Dubai năm ngoái và COP29, dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Azerbaijan. Bộ trưởng Môi trường và An ninh Năng lượng Italy Gilberto Pichetto Fratin cho biết mục tiêu của cuộc họp là đảm bảo lộ trình do COP28 đặt ra trở nên "thiết thực, thực tế và cụ thể". Ông nhấn mạnh Italy, một điểm nóng về biến đổi khí hậu khi là quốc gia dễ chịu ảnh hưởng do cháy rừng, hạn hán và băng tan, đang đặt vấn đề "đa dạng sinh học, hệ sinh thái, nước biển ấm lên" lên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Theo kế hoạch, các bộ trưởng môi trường của G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh và Mỹ, sẽ tiến hành 4 phiên làm việc trong 2 ngày tại Cung điện Venaria. Các cuộc thảo luận sẽ nhấn mạnh sự cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn nguyên liệu quan trọng, chìa khóa cho hệ thống năng lượng tái tạo, cũng như tái sử dụng khoáng sản. Italy cho biết vấn đề đất hiếm và năng lượng tái tạo sẽ là một phần thảo luận với các phái đoàn châu Phi được mời tham dự cuộc họp ở Turin.
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường hy vọng G7 sẽ tăng cường hỗ trợ các nước kém phát triển về việc khử carbon trong sản xuất công nghiệp, với sự tư vấn của các chuyên gia về các lĩnh vực đặc biệt khó khăn, như xi măng và thép. Dự kiến cuộc họp sẽ đạt được một số cam kết về huy động thêm ngân sách cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Italy cho biết G7 sẽ thảo luận về các mô hình tài chính “sáng tạo” trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi đảm bảo các nguồn tài chính dễ tiếp cận hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
Theo Viện chính sách Phân tích khí hậu, các nước G7 chiếm khoảng 38% nền kinh tế toàn cầu và chịu trách nhiệm về 21% tổng lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2021. Một báo cáo được viện trên công bố hồi tuần trước cho thấy không có thành viên nào trong G7 đang đi đúng hướng để đạt được các mục tiêu hiện tại về giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2030, thay vào đó các nước này đang tìm cách cắt giảm "tốt nhất là khoảng một nửa so với mức cần thiết".
Theo baotintuc.vn
Thủ tướng Hun Manet cho biết cuộc cải tổ nội các lần này nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối ngoại của Campuchia, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.