21/09/2023 11:06
Giáo sư Go Ito trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Nhật Bản. Ảnh: Vietnam+
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, Giáo sư Ito khẳng định dấu mốc đầu tiên chính là ngày 21/9/1973, thời điểm Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao. Tiếp đó, vào những năm 1980, mặc dù các nhà máy vẫn chủ yếu được xây dựng ở Trung Quốc, song từ thời điểm đó, doanh nghiệp Nhật Bản bắt đầu hướng về Việt Nam. Tokyo đã thiết lập các quan hệ đối tác kinh tế với Việt Nam. Giai đoạn thứ ba là vào năm 1995, khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam ngày càng phát triển. Giáo sư Ito tin rằng sự gần gũi về địa lý cũng là một yếu tố thúc đẩy quan hệ và hợp tác giữa hai nước. Đặc biệt, Việt Nam có vai trò quan trọng trong hợp tác của Nhật Bản với khu vực Đông Dương (gồm Việt Nam, Lào và Campuchia).
Giáo sư Ito cho biết hiện có khoảng 20.000 người Nhật đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. So với Hàn Quốc, con số trên thấp hơn nhiều, tuy nhiên, Giáo sư Ito cho rằng điều quan trọng là thúc đẩy mức độ hợp tác và tương hỗ về kinh tế giữa Nhật Bản với Việt Nam tương đương mức độ hợp tác giữa Việt Nam với Hàn Quốc. Song hành với hợp tác kinh tế là sự tương đồng về nhận thức giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế. Đặc biệt, đối với Nhật Bản, việc đảm bảo tuyến năng lượng an toàn đi qua Biển Đông là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chuỗi cung ứng. Từ những yếu tố trên, chuyên gia này nhận định đối với Nhật Bản, mối quan hệ với Việt Nam là rất quan trọng.
Về triển vọng mở rộng hợp tác trong tương lai, Giáo sư Ito cho rằng Việt Nam và Nhật Bản nên chú trọng củng cố hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm cả chính trị, kinh tế và an ninh. Về kinh tế, đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam đang phát triển tốt đẹp. Thứ hai là giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa các thế hệ trẻ Việt Nam và Nhật Bản, trong đó có một khía cạnh quan trọng là giao lưu trong lĩnh vực đại học. Giáo sư Ito hy vọng hai nước sẽ thúc đẩy hơn nữa hoạt động trao đổi học thuật, đồng thời bày tỏ mong muốn dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ là cơ hội tốt để thúc đẩy hai nước gặt hái thêm nhiều thành quả trong hợp tác trên các lĩnh vực này.
Về tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Giáo sư Ito nhấn mạnh trước hết, việc thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam trong khuôn khổ đa phương là rất quan trọng. Trên phương diện đa phương, hiện có các cơ chế ASEAN-Nhật Bản, ASEAN + 3. Những cơ chế này càng thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giao lưu giữa Nhật Bản với Việt Nam.
Ông cho rằng các hoạt động giao lưu giữa hai nước đang mở rộng ra các quốc gia khác trong ASEAN. Theo Giáo sư Ito, việc thúc đẩy giao lưu với các nước ASEAN là cần thiết và điều quan trọng là thúc đẩy sự hợp tác đa phương này theo cách phù hợp trong tương lai.
Theo baotintuc.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.