24/08/2022 07:15
Ông Kwak Sung-il cho rằng, Việt Nam đã và đang nỗ lực để thu hút đầu tư nước ngoài. Việc Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Đầu tư sửa đổi tháng 6/2020 và có hiệu lực từ năm 2021, được xem là nỗ lực lớn của Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường tính minh bạch của thể chế thông qua các quy định của pháp luật.
Phóng viên TTXVN tại Seoul phỏng vấn chuyên gia kinh tế Kawk Sung-il, Giám đốc Trung tâm Chiến lược an ninh kinh tế thuộc Viện nghiên cứu chính sách kinh tế quốc tế của Hàn Quốc. (Ảnh: TTXVN)
Chuyên gia nghiên cứu kinh tế quốc tế của Hàn Quốc cho rằng, Việt Nam cần phát huy năng lực sản xuất và công nghệ để tham gia vào chuỗi cung ứng. So với các nước ASEAN láng giềng, tỷ trọng giá trị gia tăng trong thành phẩm của Việt Nam đang ở mức thấp. Vì vậy, các công ty Việt Nam cần quan tâm đến phát triển công nghệ riêng song song với việc hợp tác quốc tế. Có như vậy, các nỗ lực chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác với các công ty nước ngoài đã thâm nhập thị trường trong nước mới đạt hiệu quả.
Đánh giá về hợp tác song phương, ông Kawk Sung-il cho biết quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong 3 thập kỷ qua và đạt được những thành tựu vô cùng to lớn, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc. Ở thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam chỉ ở mức 490 triệu USD, tương đương với 0,3% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc nhưng đến năm 2020, con số này đã chiếm tới 7% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc. Về đầu tư, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia đầu tư trực tiếp lớn nhất vào Việt Nam.
Theo ông Kwak Sung-il, có nhiều ý kiến cho rằng, tăng cường xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Hàn Quốc sẽ giúp giải quyết tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại song phương, song đây chỉ là biện pháp khắc phục ngắn hạn. Nếu chỉ xuất khẩu nông sản và thủy sản có thể khiến Việt Nam trở thành nước xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp. Thay vào đó, điều quan trọng hơn là phải thu hút đầu tư nhiều hơn từ Hàn Quốc để tạo ra một môi trường nơi các công ty Việt Nam có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất của Hàn Quốc, từ đó hình thành chuỗi cung ứng mạnh mẽ giữa hai nước.
Theo TTXVN
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.