06/01/2024 20:38
Chuyến tàu hàng container liên vận Nam Ninh-Yên Viên đầu tiên trong năm 2024 trước giờ khởi hành. (Ảnh: people.com.cn)
Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 01/01/2024, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực tròn 2 năm.
02 năm qua, Hiệp định RCEP đã tạo động lực mạnh mẽ cho hợp tác kinh tế-thương mại của khu vực. Hiện nay, trao đổi thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục diễn ra sôi động. Các chuyến tàu hàng container liên vận Việt-Trung là động lực thúc đẩy thương mại xuất nhập khẩu giữa hai nước phát triển.
Kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, đã có 382 chuyến tàu hàng container liên vận Việt-Trung khởi hành từ Quảng Tây, Trung Quốc, vận chuyển 205.400 tấn hàng hóa xuất nhập khẩu, trong đó lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc đạt 129.500 tấn, tăng 69% và 77% so cùng kỳ năm 2020 và 2021.
Trong 2 năm thực thi Hiệp định RCEP, danh mục hàng hóa trao đổi thương mại giữa hai nước ngày càng được mở rộng theo hướng các mặt hàng đặc thù mang tính bổ sung cho nhau giữa hai nước.
Danh sách các mặt hàng tăng từ 102 chủng loại năm 2021 lên hơn 602 chủng loại vào năm 2023 như: máy công nghiệp, linh kiện, phụ tùng ô-tô, hàng đặc sản các vùng miền... Các địa điểm gom hàng cho chuyến tàu hàng container liên vận Việt-Trung đã mở rộng ra hơn 20 thành phố ở trong và ngoài Quảng Tây như: Quảng Đông, Chiết Giang, Thượng Hải...
Ngay tối ngày đầu tiên của năm mới, chuyến tàu hàng container liên vận Trung-Việt chở các mặt hàng sữa, đồ uống của Quảng Tây, động cơ của Chiết Giang, hóa chất của Thượng Hải đã khởi hành từ Cảng đường sắt quốc tế Nam Ninh, dự kiến sẽ đến Việt Nam sau hành trình 14,5 giờ. Đây là chuyến tàu hàng container liên vận Nam Ninh (Trung Quốc)-Yên Viên (Việt Nam) đầu tiên trong năm 2024.
Theo Trung tâm vận chuyển hàng hóa Nam Ninh thuộc Chi cục đường sắt Nam Ninh, từ cuối tháng 6/2023, mỗi tuần sẽ có 3 chuyến tàu liên vận thông quan nhanh. Theo đó, khách hàng có thể làm thủ tục khai báo hải quan qua nền tảng số để giảm áp lực cũng như rút ngắn thời gian thông quan.
Trong thời gian tới, Quảng Tây sẽ tăng cường xây dựng khu logistics kết nối với thị trường trong nước cũng như thị trường các nước RCEP, góp phần bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa và ngành nghề vận hành thông suốt.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.