01/11/2024 15:12
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngày 30/10/2024, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp nhôm đùn ép nhập khẩu từ Trung Quốc, Colombia, Ecuado, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Malaysia, Mexico, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Việt Nam.
Ngành công nghiệp Hoa Kỳ không bị thiệt hại đáng kể
Theo đó, Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ xác định ngành công nghiệp Hoa Kỳ không bị thiệt hại đáng kể do nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước/vùng lãnh thổ bị điều tra mặc dù Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) trước đó đã kết luận nhôm đùn ép nhập khẩu từ các nước/vùng lãnh thổ này được bán phá giá/trợ cấp.
Căn cứ theo kết luận của USITC, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ không ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp đối với nhôm đùn ép nhập khẩu từ 14 nước/vùng lãnh thổ trên.
Trước đó, ngày 24/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá với nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu từ 15 nước/vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam và điều tra chống trợ cấp với cùng sản phẩm từ 4 nước: Indonesia, Mexico, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Việt Nam bị đề nghị điều tra chống bán phá giá.
Sản phẩm bị điều tra: Nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm (phạm vi khá rộng). Mã vụ việc: A-552-837. Nguyên đơn: Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn lao động công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ.
Theo nguyên đơn, căn cứ số liệu của Hải quan Hoa Kỳ, trong năm 2022, Việt Nam chiếm khoảng 7,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ, đứng thứ 4 trong số các quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào Hoa Kỳ, sau Mexico, Colombia, Trung Quốc (chiếm tỉ lệ lần lượt là 12,9%, 10,2% và 9,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của các quốc gia vào Hoa Kỳ trong năm 2022).
Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá: Nguyên đơn nêu tên khoảng 14 công ty của Việt Nam. Ngoài 14 công ty này, còn có các công ty khác cũng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam: 41,84% (biên độ phá giá cáo buộc cho 15 nước/vùng lãnh thổ trong khoảng từ 25,89%-376,85%) và thấp hơn so với mức cáo buộc đối với 3 nước xuất khẩu cạnh tranh nhất của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ.
Theo quy định điều tra của Hoa Kỳ, có hai cơ quan tham gia trong một vụ việc điều tra chống bán phá giá/chống trợ cấp: Bộ Thương mại Hoa Kỳ điều tra về hành vi bán phá giá/trợ cấp và chịu trách nhiệm chung về kết quả điều tra trong khi Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ chịu trách nhiệm đánh giá thiệt hại của ngành sản xuất trong nước. Sản phẩm chỉ bị áp thuế chống bán phá giá/chống trợ cấp nếu cả hai cơ quan đều ban hành kết luận khẳng định.
Theo baochinhphu.vn
Thủ tướng Hun Manet cho biết cuộc cải tổ nội các lần này nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối ngoại của Campuchia, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.