23/07/2024 10:16
Học giả quốc tế ca ngợi cống hiến to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Giáo sư Jayachandra Reddy, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Đại học Sri Venkateswara (Ấn Độ), nhận định dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển, từ một quốc gia nông nghiệp bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất châu Á.
Giáo sư Reddy nhấn mạnh sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa đất nước Việt Nam vượt qua nhiều thách thức, thông qua các chính sách nhằm tạo ra khuôn khổ kinh tế để tăng trưởng và giảm nghèo; tạo ra môi trường hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp; chuyển đổi kinh tế nông thôn; tăng cường nguồn nhân lực có năng lực quốc tế; cung cấp cơ sở hạ tầng và dịch vụ hiệu quả; cải thiện chất lượng môi trường; xây dựng quản trị hiện đại với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin; và xây dựng lòng tin ở cấp độ toàn cầu.
Ông Reddy cũng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam luôn ưu tiên duy trì phúc lợi xã hội, đẩy mạnh đấu tranh chống tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường các hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Là một quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, lực lượng lao động trẻ, năng động, khéo léo, chính trị-xã hội ổn định, Việt Nam sẽ tiếp tục là thị trường đầy tiềm năng và là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp quốc tế, đặc biệt là các nước như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ…
Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản Ueno Tomio trong trả lời phỏng vấn của TTXVN đã nhận định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, liêm chính và năng lực lãnh đạo xuất chúng. Trong công tác đối ngoại, bản sắc “ngoại giao cây tre” và đường lối đối ngoại độc lập dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nhà nghiên cứu Tomio cũng cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn vào việc làm sâu sắc thêm quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.
Trong khi đó, Giáo sư Hirohide Kurihara, một chuyên gia về Việt Nam, nêu bật những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Kurihara nhấn mạnh Tổng Bí thư đã tiến hành đấu tranh mạnh mẽ chống tham ô, tham nhũng, đồng thời nghiêm khắc thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm. Ông đánh giá đây là một sự thay đổi lớn trong giai đoạn lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Stefano Bonilauri, Giám đốc Nhà xuất bản Anteo Edizioni và ông Giulio Chinappi, Phụ trách khu vực châu Á của Anteo Edizioni - cơ quan đã xuất bản bản dịch tiếng Italia tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo ông Bonilauri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp to lớn về lý luận chủ nghĩa xã hội và kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thúc đẩy mô hình kinh tế kết hợp các đặc điểm của chủ nghĩa xã hội với lợi ích của thị trường, tìm cách tạo ra sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Những ý tưởng và thực tiễn của mô hình này đã cung cấp cơ sở lý thuyết quan trọng mà các quốc gia khác có mong muốn phát triển một nền kinh tế bao trùm, bền vững trong khi vẫn duy trì các giá trị xã hội chủ nghĩa có thể nghiên cứu và áp dụng.
Trong khi đó, ông Chinappi đánh giá Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khuyến khích việc truyền bá văn hóa Việt Nam ra khắp thế giới, củng cố bản sắc dân tộc và thúc đẩy tình đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với các dân tộc khác.
Chuyên gia này nhấn mạnh: “Tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của sự lãnh đạo liêm chính, cống hiến cho lợi ích chung và không ngừng theo đuổi một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.
Theo nhandan.vn
Theo thống kê mới nhất của Election Lab thuộc Đại học Florida, đến 13 giờ, ngày 28/10, trên toàn nước Mỹ đã có tổng cộng 43.853.849 lá phiếu được bỏ sớm, trong đó 22.360.658 lá phiếu được bỏ trực tiếp.