04/01/2024 13:26
Quang cảnh phiên họp Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. (Ảnh tư liệu: THX/TTXVN)
Hội đồng bảo an quyết định nhóm họp sau khi nhận thấy các vụ tấn công trên Biển Đỏ thời gian gần đây là một nguy cơ ngày càng nghiêm trọng đối với hoạt động thương mại toàn cầu và sự ổn định của khu vực.
Phát biểu trước Hội đồng bảo an, Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách khu vực Trung Đông Khaled Khiari cho rằng, leo thang căng thẳng và các mối đe dọa đối với hoạt động hàng hải có thể gây hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng đến "hàng triệu người ở Yemen, khu vực và trên toàn cầu". Quan chức Liên hợp quốc cho biết, đã có những diễn biến đáng báo động ở Biển Đỏ kể từ lần cuối cùng Hội đồng bảo an họp về cuộc khủng hoảng.
Ông Khairi nhấn mạnh, không gì có thể biện minh cho việc tiếp diễn các cuộc tấn công nhằm vào tự do hàng hải, đồng thời hối thúc tất cả các bên liên quan tránh leo thang căng thẳng và hạ nhiệt tình hình hiện nay để không ảnh hưởng tới an ninh khu vực và hoạt động thương mại quốc tế.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế Arsenio Dominguez nói rằng, các thông tin gần đây cho thấy lực lượng Houthi không chỉ giới hạn mục tiêu tấn công là các tàu có liên quan tới Israel.
Ông Dominguez kêu gọi các bên kiềm chế và giảm xung đột “để bảo đảm an toàn cho các tàu thuyền trong khu vực, bảo đảm tự do hàng hải và ổn định chuỗi cung ứng".
Ông cho biết thêm, tổ chức này sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với sự hợp tác của các quốc gia thành viên và các đối tác, cùng với hải quân tham gia bảo đảm an ninh trên biển.
Trước đó, vào ngày 01/12/2023, Hội đồng bảo an cũng đã đưa ra một thông cáo chung lên án các vụ tấn công của lực lượng Houthi trên Biển Đỏ “với ngôn từ mạnh mẽ nhất”. Cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho tàu MV Galaxy Leader (Nhật Bản) bị lực lượng này bắt giữ từ ngày 19/11.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.