23/09/2022 05:31
Người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn cho lộ trình phát triển, vốn đang đứng trước thời điểm mang tính quyết định, song bị đe dọa bởi hàng loạt cuộc khủng hoảng.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc Phiên thảo luận chung của Khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Liên hợp quốc)
Với chủ đề "Thời khắc của Các mục tiêu phát triển bền vững (SDG)", Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững năm nay tập trung đánh giá những tiến triển đạt được trên lộ trình thế giới tiến tới các mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh, các cuộc xung đột ở khắp nơi, những thảm họa khí hậu, sự thiếu hụt lòng tin, chia rẽ, bất đồng, đói nghèo, bất bình đẳng, nạn phân biệt đối xử và giá năng lượng và lương thực tăng cao đang khiến lộ trình tiến tới Các mục tiêu phát triển bền vững ngày thêm xa vời.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, giới trẻ và các thế hệ tương lai đòi hỏi các nhà lãnh đạo thế giới phải hành động ngay vì sự phát triển chung, không thể chần chừ hay chờ đợi khi thế giới có quá nhiều việc phải làm như hiện nay.
Ông kêu gọi cải tổ cơ cấu tài chính để giúp các nước nghèo giải quyết nợ và khó khăn tài chính bởi đó là con đường bền vững duy nhất giải quyết tình trạng bất bình đẳng tồn tại ở các nước, đồng thời không để thế giới rơi vào suy thoái kinh tế.
Việc thực hiện mục tiêu chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và bảo đảm tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng vào năm 2030 ở mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc đang gặp thách thức lớn khi cộng đồng quốc tế phải đối mặt hàng loạt cuộc khủng hoảng trầm trọng do đại dịch Covid-19, xung đột, tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.
Các cuộc xung đột trên thế giới đang khiến hàng triệu người phải sống trong nghèo đói, khổ đau và vòng xoáy bất bình đẳng vẫn đang ảnh hưởng sự hồi phục và phát triển của nhiều nước, chưa kể đến tình trạng biến đổi khí hậu cũng khiến thế giới ở vào trạng thái đáng lo ngại. Ba cuộc khủng hoảng khẩn cấp liên quan tới trái đất, đó là biến đổi khí hậu, sự biến mất đa dạng sinh học và tình trạng ô nhiễm.
Bên cạnh đó, đại dịch cùng với xung đột khiến giá cả leo thang, sức mua giảm sút, nguy cơ mất an ninh lương thực gia tăng và hiểm họa suy thoái toàn cầu cũng ngày càng lớn hơn. Theo thống kê của Liên hợp quốc, năm 2021, có tới 828 triệu người chịu ảnh hưởng của nạn đói.
Các cuộc khủng hoảng chồng chéo đã khiến hầu hết mọi chỉ số của SDG đều đi chệch hướng sau nửa chặng đường thực hiện mục tiêu. Tuy nhiên, nhân loại vẫn có thể đạt được tiến bộ trong việc chấm dứt nghèo đói, chống bất bình đẳng và giảm tác động của biến đổi khí hậu trong quá trình hướng tới các mục tiêu toàn cầu đề ra cho năm 2030.
Vì thế, Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi chính phủ các nước đầu tư ở mức cao nhất có thể cho y tế, giáo dục và sức khỏe cộng đồng, nhất là chi cho những người dân phải đi tị nạn và di cư; bảo đảm để người dân vượt qua được những cú sốc kinh tế, gia tăng việc làm, đặc biệt trong các lĩnh vực kỹ thuật số và năng lượng xanh.
Hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu đòi hỏi thế giới giảm dần việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển đổi sang các loại năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, đồng thời hỗ trợ các nước nghèo cùng tham gia chuyển đổi.
Tăng cường khả năng ứng phó của các nước đang phát triển trước các cuộc khủng hoảng tương lai cũng được coi là chìa khóa để đạt được các mục tiêu phát triển và đó cũng là trách nhiệm của các nước giàu. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc kêu gọi thúc đẩy hợp tác đa phương để đạt được những thành tựu trên lộ trình phát triển bền vững.
Theo nhandan.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.