08/01/2024 06:18
Trong báo cáo "Tình hình Kinh tế Thế giới và Triển vọng 2024" mới được công bố, LHQ đã đưa ra dự báo ảm đạm về kinh tế toàn cầu năm nay, do những thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng.
LHQ dự báo tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 2,4% trong năm nay, so với mức tăng trưởng ước tính vượt dự báo 2,7% trong năm ngoái.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng của cả hai năm đều dưới 3%, mức trước khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.
Dự báo của LHQ có phần bi quan so với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2024 ở mức 2,9% do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo tháng 10/2023.
Nhìn vào dự báo tốc độ tăng trưởng năm nay theo khu vực, Mỹ được điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm lên 1,4% so với báo cáo trước đó. Nhật Bản ở mức 1,2% và Trung Quốc ở mức 4,7%. Hai nước này đều được điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Liên minh châu Âu (EU) bị hạ 0,3 điểm phần trăm xuống còn 1,2%; Anh cũng giảm 0,7 điểm phần trăm xuống còn 0,4%. Dự báo tốc độ tăng trưởng cho các nước mới nổi cũng giảm 0,2 điểm phần trăm so với ước tính trước đó xuống còn 4,0%.
Nền kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi lên 2,4% vào năm 2024. Đây là con số lạc quan hơn so với dự báo ở mức 2,1% trong năm 2024 do Ngân hàng trung ương nước này đưa ra vào tháng 11/2023.
Về nền kinh tế xứ sở kim chi, báo cáo của LHQ cho biết: "Sự suy giảm trong tiêu dùng tư nhân phản ánh sự sụt giảm tiền lương thực tế do lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao.
Bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ và chi phí tài chính tăng, đầu tư tư nhân đã bắt đầu phục hồi trong năm 2023, góp phần nâng cao chỉ số dự báo tăng trưởng năm 2024".
Báo cáo cũng dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng nhẹ lên 2,7% vào năm 2025, nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu 3,0% thời điểm trước đại dịch (2019).
Giám đốc Bộ phận Chính sách và Phân tích Kinh tế của LHQ Shantanu Mukherjee cho biết những lo ngại về nguy cơ suy thoái năm 2023 đã được ngăn chặn chủ yếu nhờ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, kiểm soát được lạm phát mà không làm giảm tốc tăng trưởng.
Tuy nhiên, ông Mukherjee cho rằng kinh tế toàn cầu chưa ra khỏi vùng nguy hiểm, khi lãi suất rất cao trong thời gian dài và có nguy cơ về các cú sốc giá cả. Ông cho rằng một cú sốc nguồn cung có thể đưa đến việc tăng lãi suất để đưa lạm phát vào tầm kiểm soát.
Theo báo cáo, lạm phát trên toàn cầu ở mức 8,1% trong năm 2022 ước giảm xuống 5,7% trong năm 2023 và 3,9% trong năm 2024. Tuy nhiên, ở khoảng 1/4 số quốc gia đang phát triển, lạm phát được cho là ở mức trên 10% trong năm nay.
Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, LHQ nhận định đà phục hồi sau đại dịch chậm hơn dự kiến, do những trở ngại cả bên trong và bên ngoài.
Với tăng trưởng kinh tế đạt 3% trong năm 2022, báo cáo cho rằng kinh tế Trung Quốc có sự bứt phá trong nửa cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng ước đạt 5,3%.
LHQ dự báo các nền kinh tế ở Đông Nam Á sẽ giảm tốc tăng trưởng từ 4,9% năm 2023, xuống 4,6% trong năm 2024. Ở Đông Á, tăng trưởng dự kiến đạt 2,9% trong năm 2024, so với mức 1,7% trong năm 2023.
Theo baochinhphu.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.