17/06/2024 08:03
Ảnh minh họa: European Commission
Theo các chuyên gia đánh giá, luật mới là một bộ công cụ bảo vệ nhà báo, nâng cao tính độc lập của báo chí và giúp các nhà báo đối mặt với những thách thức, sự can thiệp và áp lực mà họ thường phải đối mặt trong tác nghiệp.
Đáng chú ý, vai trò điều tiết của nhà nước đối với hoạt động báo chí và truyền thông cũng được thể hiện rõ nét trong việc bảo vệ các nhà báo; yêu cầu công bố thông tin về chủ sở hữu của cơ quan báo chí, truyền thông trong cơ sở dữ liệu quốc gia; hay quy định về phân bổ hợp lý nguồn hỗ trợ của nhà nước...
Bảo vệ công việc của nhà báo
Các nhà chức trách sẽ bị cấm ép các phóng viên, biên tập viên tiết lộ nguồn tin của họ, bao gồm cả việc giam giữ họ, trừng phạt, lục soát văn phòng hoặc cài đặt phần mềm giám sát xâm nhập vào thiết bị điện tử của nhà báo.
Nghị viện châu Âu đã bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, bảo vệ đáng kể trong việc cho phép sử dụng phần mềm gián điệp. Điều này chỉ có thể thực hiện được trong từng trường hợp cụ thể và phải được thực hiện bởi cơ quan tư pháp điều tra các tội phạm nghiêm trọng có thể trừng phạt bằng biện pháp giam giữ.
Ngay cả trong những trường hợp này, các đối tượng sẽ có quyền được thông báo sau khi việc giám sát diễn ra và có thể phản đối việc giám sát đó trước tòa.
Luật Tự do báo chí châu Âu sẽ bắt buộc các nước EU bảo vệ báo chí truyền thông khỏi sự can thiệp về kinh tế, chính trị. Ảnh: AFP
Tính độc lập biên tập của phương tiện truyền thông đại chúng
Để ngăn chặn việc các cơ quan truyền thông đại chúng bị sử dụng vào mục đích chính trị, người đứng đầu và thành viên hội đồng quản trị của họ phải được lựa chọn thông qua các thủ tục minh bạch và không phân biệt đối xử với nhiệm kỳ đủ dài. Sẽ không thể sa thải họ trước khi hợp đồng kết thúc, trừ khi họ không còn đáp ứng được các tiêu chí chuyên môn.
Phương tiện truyền thông đại chúng sẽ phải được tài trợ bằng các thủ tục minh bạch và khách quan, đồng thời nguồn tài trợ phải bền vững và có thể dự đoán được.
Minh bạch về quyền sở hữu
Để giúp công chúng biết ai kiểm soát các phương tiện truyền thông và lợi ích nào có thể ảnh hưởng đến việc đưa tin, tất cả các cơ quan báo chí và thời sự bất kể quy mô sẽ phải công bố thông tin về chủ sở hữu của mình trong cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm cả việc họ có thuộc sở hữu trực tiếp hay gián tiếp của nhà nước hay không.
Phân bổ hợp lý nguồn hỗ trợ của nhà nước
Truyền thông cũng sẽ phải báo cáo về số tiền nhận được từ quảng cáo và hỗ trợ tài chính của nhà nước, bao gồm cả từ các quốc gia ngoài EU.
Nguồn vốn công cho các phương tiện truyền thông hoặc nền tảng trực tuyến sẽ phải được phân bổ thông qua các tiêu chí công khai, tương xứng và không phân biệt đối xử. Thông tin về chi tiêu quảng cáo của nhà nước sẽ được công khai, bao gồm tổng số tiền hàng năm và số tiền trên mỗi tờ báo.
Bảo vệ quyền tự do truyền thông của EU khỏi các nền tảng trực tuyến lớn
Nghị viện châu Âu đảm bảo cơ chế ngăn chặn các nền tảng trực tuyến lớn, chẳng hạn: Facebook, X (trước đây là Twitter) hoặc Instagram, tự ý hạn chế hoặc xóa nội dung truyền thông độc lập.
Các nền tảng trước tiên sẽ phải phân biệt phương tiện truyền thông độc lập với các nguồn không độc lập. Phương tiện truyền thông sẽ được thông báo khi nền tảng có ý định xóa hoặc hạn chế nội dung của họ và có 24 giờ để phản hồi.
Chỉ sau khi trả lời (hoặc trong trường hợp không có phản hồi) nền tảng mới có thể xóa hoặc hạn chế nội dung nếu nội dung đó vẫn không tuân thủ các điều kiện của họ.
Phương tiện truyền thông sẽ có quyền lựa chọn đưa vụ việc lên một cơ quan giải quyết tranh chấp ngoài tòa án và yêu cầu ý kiến từ Ủy ban Dịch vụ truyền thông châu Âu (một hội đồng quản lý quốc gia mới của EU được thành lập theo Luật Tự do báo chí châu Âu).
Theo hoinhabao.vn
Thủ tướng Hun Manet cho biết cuộc cải tổ nội các lần này nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối ngoại của Campuchia, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.