11/03/2021 20:00
Theo tin từ Straits Times, Trung Quốc vừa triển khai "chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế", trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp "hộ chiếu vaccine" cho công dân, cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêm chủng vaccine COVID-19 cũng như kết quả xét nghiệm kháng thể và axit nucleic.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chứng nhận đang được triển khai "nhằm giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới". Tuy nhiên, chứng nhận sức khỏe hiện chỉ sẵn có cho công dân Trung Quốc sử dụng và chưa phải bắt buộc.
Chương trình "hộ chiếu vaccine" của Trung Quốc bao gồm một mã QR được mã hóa cung cấp cho mỗi quốc gia thông tin y tế của du khách. “Mã sức khỏe QR” trong WeChat và các ứng dụng điện thoại thông minh khác của Trung Quốc đã được yêu cầu phải có khi tham gia giao thông trong nước và nhiều không gian công cộng ở Trung Quốc.
Những ứng dụng này theo dõi vị trí của người dùng, tạo một mã "xanh" mang nghĩa sức khỏe tốt, nếu người dùng chưa tiếp xúc gần với một ca được xác nhận mắc COVID-19 hoặc chưa từng di chuyển tới các điểm nóng lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hệ thống này cũng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.
Ngoài dạng kỹ thuật số, chứng nhận này của Trung Quốc cũng có sẵn ở dạng giấy. Theo AFP, chứng nhận của Trung Quốc được xem là "hộ chiếu vaccine" đầu tiên trên thế giới.
Trung Quốc đã phê duyệt cho 17 ứng viên vaccine COVID-19 để thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, 7 loại đã bước vào thử nghiệm giai đoạn ba và 4 loại đã được cấp phép sử dụng cho trường hợp khẩn cấp.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết nước này sẽ đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng vào giữa năm 2022 sau khi hoàn tất tiêm chủng cho 80% dân số. Nước này đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 560 triệu dân vào cuối tháng 6 và thêm 330 triệu người vào cuối năm nay.
Trên thế giới, một số quốc gia như Đan Mạch và Thụy Điển cũng đang phát triển "hộ chiếu vaccine" riêng. Tuy nhiên, tại Anh, hơn 200.000 người đã ký tên vào một bản kiến nghị để được đưa ra tranh luận trước Quốc hội để ngăn chặn việc ban hành giấy chứng nhận vaccine. Những người này cho rằng một chứng nhận như vậy có thể "được dùng để hạn chế quyền của những người đã từ chối tiêm vaccine COVID-19".
Trong khi đó, Hiệp hội Du lịch hàng không quốc tế (IATA) với thành viên gồm 290 hãng hàng hàng không, cũng dự kiến ra mắt một ứng dụng du lịch, trong đó cho phép cơ quan nhập cảnh và hãng hàng không thu thập và chia sẻ chứng nhận vaccine cũng như kết quả xét nghiệm COVID-19.
Singapore Airlines sẽ là hãng hàng không đầu tiên trên thế giới đưa vào sử dụng ứng dụng này trên các chuyến bay từ Singapore tới London (Anh) từ ngày 15/3. Trong vòng 2 tháng tới, sẽ có khoảng 30 hãng hàng không thí điểm ứng dụng này.
Về phần mình, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến nay vẫn chưa ủng hộ ý tưởng cấp "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy hoạt động đi lại. WHO cho rằng hiện chưa phải là thời điểm để sử dụng hộ chiếu vaccine, bởi vẫn còn nhiều ẩn số liên quan đến hiệu quả của tiêm chủng trong việc ngăn ngừa COVID-19, trong khi nguồn cung cấp vaccine vẫn còn hạn chế.
Giới chuyên gia nhận định, triển khai sáng kiến về hộ chiếu vaccine rất phức tạp, do các nước có quy định khác nhau về hạn chế đi lại, dữ liệu riêng tư cũng như tính hiệu quả của từng loại vaccine đối với các biến thể khác nhau của SARS-CoV-2. Mỗi một khu vực lại sử dụng hệ thống khác nhau về thu thập, lưu trữ thông tin liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, còn có những lo ngại riêng về tình trạng bất bình đẳng giữa các nước khi thực hiện hộ chiếu vaccine.
Theo Báo chính phủ điện tử
Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ bước đi này phản ánh quan điểm kiên định của EU rằng các biện pháp tạm thời của Trung Quốc đối với rượu mạnh nhập từ EU không phù hợp với các quy tắc của WTO.