02/01/2024 16:13
Cảnh tàn phá tại khu vực ven biển ở Suzu, tỉnh Ishikawa, miền Trung Nhật Bản sau loạt trận động đất gây sóng thần ngày 01/01. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Nhà chức trách Nhật Bản trưa ngày 02/01 xác nhận ít nhất 30 người đã thiệt mạng sau loạt trận động đất mạnh làm rung chuyển Bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa và các khu vực duyên hải ở miền Trung nước này trong ngày đầu tiên của Năm mới 2024.
Theo giới chức địa phương, trận động đất ban đầu với độ lớn 7,6 cùng hơn 155 dư chấn tiếp đó đã gây thiệt hại lớn về cấu trúc đô thị và gây ra nhiều vụ hỏa hoạn tại thành phố Wajima thuộc tỉnh Ishikawa.
Nhiều hệ thống đường sá bị phá hủy, trong khi hơn 33.000 hộ dân lâm vào cảnh không có điện và nước sinh hoạt.
Hơn 1.400 hành khách bị ảnh hưởng do các chuyến tàu Shinkansen ở khu vực thảm họa tạm dừng hoạt động.
Đài truyền hình NHK cho biết Sân bay Noto đã buộc phải đóng cửa do đường băng bị nứt vỡ và các ảnh hưởng nghiêm trọng khác đối với khu vực nhà ga. Ở thời điểm hiện tại, vẫn còn 500 người bị mắc kẹt tại bãi đỗ ôtô của sân bay này.
Ngoài ra, loạt trận động đất trên cũng gây ra thương tích về người và làm hư hại nhiều công trình kiến trúc tại các tỉnh Niigata, Toyama, Fukui và Gifu lân cận.
Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản ngày 02/01 thông báo sẽ hủy bỏ sự kiện Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako xuất hiện trước công chúng vào dịp đầu Năm mới.
Trong khi đó, Thủ tướng Fumio Kishida cũng hoãn chuyến thăm đền Ise nhân dịp đầu Năm mới, dự kiến diễn ra vào ngày 04/01 tới.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, chấn tiêu của trận động đất ban đầu cách Wajima khoảng 30km về phía Đông - Đông Bắc, với độ sâu chấn tiêu khoảng 16km.
Cơn địa chấn này được xác định ở mức cao nhất trên thang cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản. Lần gần nhất trước đó Nhật Bản từng chứng kiến động đất mạnh như vậy là vào cuối năm 2018 tại Hokkaido.
Theo vietnamplus.vn
Dự trữ vàng của Nga tăng vọt 33% trong năm 2024 tính đến thời điểm này, đạt giá trị kỷ lục 207 tỷ USD - đứng thứ 5 toàn cầu. Trong bối cảnh các lệnh trừng phạt siết chặt, vàng trở thành "vũ khí tài chính" chủ lực, giúp Nga đối phó biến động kinh tế và địa chính trị.