26/09/2024 06:24
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (thứ 3, trái sang) tham dự Hội thảo.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, ngày 25/9 tại thủ đô Vientiane, Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã phối hợp tổ chức hội thảo thường niên với chủ đề: “Tăng cường hợp tác Việt Nam-Lào-Campuchia trong bối cảnh toàn cầu mới."
Tham dự sự kiện có Tiến sỹ Kongkeo Xaysongkham, Chủ tịch Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện sỹ Sok Touch, Chủ tịch Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng đông đảo các cán bộ, nhân viên phòng, ban liên quan của ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn cho biết trong những năm qua, quan hệ ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia không ngừng được vun đắp và phát triển.
Ba nước có truyền thống đoàn kết, gắn bó và hiện ba nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, các cuộc xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, các điểm nóng có nguy cơ bùng phát thành xung đột vũ trang với quy mô khác nhau và các thách thức an ninh phi truyền thống, bao gồm các loại hình tội phạm xuyên quốc gia như buôn người, buôn bán ma túy, buôn lậu hàng hóa, buôn bán vũ khí hạng nhẹ, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, dịch bệnh truyền nhiễm và biến đổi khí hậu khiến Trái Đất nóng lên, kèm theo đó là các hiện tượng thời tiết cực đoan như nước biển dâng, bão lũ và hạn hán bất thường, khiến tình hình an ninh, chính trị khu vực và thế giới càng trở nên khó đoán định.
Những thách thức này không chỉ tác động mạnh mẽ tới ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia mà còn tác động đến hợp tác giữa ba nước. Ba nước có thể ứng phó hiệu quả với những thách thức này khi cùng hợp tác chặt chẽ trên cơ sở tin cậy chính trị, bình đẳng và chân thành.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn cho rằng hội thảo là dịp để các đại biểu cùng nhau nhận diện các xu hướng phát triển của khu vực và toàn cầu, những tác động đến sự phát triển của ba nước; phân tích, làm rõ chính sách đối ngoại của mỗi nước và cách ba nước có thể tăng cường hợp tác trong bối cảnh khu vực và toàn cầu mới.
Ngoài ra, các hoạt động của hội thảo sẽ góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, nâng cao chất lượng tham mưu về chiến lược và chính sách của các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, các chuyên gia cùng nhà khoa học ba nước.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Tăng cường hợp tác Việt Nam-Lào-Campuchia trong bối cảnh toàn cầu mới".
Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Minh Tuấn, hội thảo giúp làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa ba quốc gia nói chung, giữa Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Khoa học Kinh tế và Xã hội quốc gia Lào và Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia nói riêng.
Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các báo cáo chuyên đề và các tham luận tập trung vào 3 nội dung.
Trước hết là vấn đề nhận diện các xu hướng phát triển của khu vực và toàn cầu tác động đến sự phát triển của Việt Nam, Lào và Campuchia cũng như sự hợp tác của ba nước.
Nội dung thứ hai là phân tích và làm rõ chính sách đối ngoại của Việt Nam, Lào và Campuchia trong tình hình hiện nay.
Cuối cùng là đề xuất giải pháp tăng cường hợp tác giữa ba nước trong bối cảnh cụ thể của mỗi nước, của khu vực và thế giới.
Được khởi xướng từ năm 2012, hội thảo thường niên giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia đã trở thành diễn đàn quan trọng và thường xuyên dành cho các nhà quản lý, các chuyên gia và các nhà khoa học ba nước trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn.
Kết quả của hội thảo lần này sẽ là cơ sở khoa học để ba cơ quan của ba nước cung cấp các luận cứ khuyến nghị chính sách cho Chính phủ mỗi nước, nhằm khai thác tốt hơn nữa tiềm năng hợp tác giữa ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Theo vietnamplus.vn
Thủ tướng Hun Manet cho biết cuộc cải tổ nội các lần này nhằm nâng cao hiệu quả thực thi chính sách đối ngoại của Campuchia, nhằm bảo vệ các lợi ích cốt lõi của quốc gia.